Ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn để bà con chuyển đổi nghề
CôngThương - Nhằm tập trung giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngày 9/6/2008 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010 (Quyết định 74).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau 4 năm thực hiện chính sách, đã có 5.584 hộ được cấp đất ở, giải quyết cho khoảng 22.498 hộ khác có điều kiện làm ăn ổn định, trong đó có 4.553 hộ được cấp đất để sản xuất và 17.947 hộ khác được cho vay vốn để làm các ngành nghề khác tại địa phương. Tuy nhiên, hiện tại còn 37,2% số đối tượng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, nhưng Quyết định 74 chỉ có hiệu lực thi hành trong giai đoạn 2008 - 2010; đồng thời trong quá trình thực hiện Quyết định 74 còn bộc lộ những tồn tại, cản trở liên quan đến các chính sách hỗ trợ. Vì vậy ngày 20/5/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg (Quyết định 29) tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi một số nội dung chính sách hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả chính sách.
Đối chiếu với nội dung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 74, Quyết định 29 có những nội dung mới như sau:
Về đối tượng áp dụng
Là những hộ đồng bào dân
tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn, đang sống ổn định tại địa phương theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, do UBND xã, phường quản lý tại thời điểm điều tra (Quyết định 74 xác định đối tượng hộ nghèo theo chuẩn cũ) .
Về chính sách hỗ trợ
- Trong Quyết định 29 bãi bỏ việc mua đất sản xuất để cấp lại cho các đối tượng thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Vì các địa phương không còn quỹ đất công để triển khai thực hiện chính sách cấp đất sản xuất cho các hộ nghèo nên Nhà nước phải mua lại đất của người dân để cấp, giá đất đai ngày càng tăng cao nên nhiều nơi không mua được đủ định mức diện tích đất theo qui định; ngoài ra, nhiều hộ gia đình không cần đất sản xuất, họ cần được Nhà nước hỗ trợ ít tiền vốn để làm các nghề khác vẫn tạo ra thu nhập cao hơn so với được cấp đất.
- Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 6 năm, nhiều nội dung và định mức quy định cho người thụ hưởng đến nay đã không còn phù hợp, thấp xa so với giá cả thực tế, do tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng nhanh. Vì vậy, Quyết định 29 nâng mức hỗ trợ phù hợp với tình hình giá cả hiện nay và cách hỗ trợ linh hoạt, các đối tượng là hộ nghèo dễ tiếp cận hơn. Cụ thể như sau: Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các hộ chưa có đất ở tối đa là 30 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ từ Ngân sách địa phương trong Quyết định 29 không nêu mức cố định như trong Quyết định 74, vì khi áp dụng đã gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, nên chỉ nêu linh hoạt hơn để dễ áp dụng (tuỳ thuộc vào giá đất mỗi nơi và khả năng ngân sách hàng năm của địa phương mà hỗ trợ thêm cho mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đủ tiền để mua đất làm nhà ở, nhưng tối thiểu không dưới 10% so với mức hỗ trợ từ Ngân sách trung ương. Ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ để tổ chức san lấp, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng).
Cho vay vốn để chuyển đổi ngành nghề
Trong Quyết định 29 tập trung vào việc vận động các hộ không có đất sản xuất được vay vốn để chuyển đổi từ làm ruộng sang làm các ngành nghề khác nhằm giải quyết khó khăn về việc cấp đất sản xuất.
Chính quyền địa phương vận động những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, không có đất sản xuất, nhưng có lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định chuyển qua làm các ngành nghề (sản xuất, kinh doanh) khác trong nông thôn. Những đối tượng này được ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn để họ có tiền mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng hoặc tự tạo việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chính sách vay vốn để phát triển sản xuất được thực hiện theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015” (theo Quyết định 29 mức vốn được vay thấp hơn và người vay có trả lãi vay, Quyết định 74 mức vay được quy định cao hơn và người vay không trả lãi vay).
Với những thay đổi về nội dung chính sách và nâng cao thêm các định mức hỗ trợ, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được hưởng chính sách trong thời gian qua chắc chắn sẽ có cơ hội giải quyết khó khăn về nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.