Những ngôi nhà gỗ đã trở thành nét đặc trưng riêng có của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải, Yên Bái |
Chính sách khó áp dụng vào thực tế
Với những bản vùng cao ở Mù Cang Chải (Yên Bái), nếu tính tới việc “xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch” (tiêu chí 17 của chương trình xây dựng NTM), hẳn sẽ là chuyện khó có thể thực hiện. Bởi lẽ, ở nhiều bản vùng sâu, vùng xa, đồng bào Mông thường sống không tập trung, thậm chí mỗi quả đồi chỉ có 1 - 2 hộ sinh sống. Lúc sống là vậy, lúc chết, mỗi hộ cũng tự tìm kiếm nơi chôn cất phù hợp với điều kiện gia đình. Nếu có xây nghĩa trang cũng không ai chịu mang người nhà đến đó chôn. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều bản, làng thuộc các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai…
Hay như với tiêu chí số 9 là phải có “75% số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng”. Tiêu chí này hoàn toàn không phù hợp với nhiều bản làng vốn có phong tục dựng nhà gỗ (người Mông ở Sơn La), nhà tường trình (người Mông ở Hà Giang), hoặc nhà xây bằng gạch đất (người Sán Chỉ ở Quảng Ninh; người Hà Nhì ở Lai Châu)… Những ngôi nhà truyền thống vốn là nơi sinh sống nhiều đời của đồng bào. Hơn thế nữa, nó còn tạo ra nét văn hóa, nét bản sắc riêng có của đồng bào DTTS mỗi vùng, miền. Nếu buộc phải thay những ngôi nhà này bằng những ngôi nhà “3 cứng” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sinh hoạt, tập quán, phong tục của đồng bào DTTS.
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) nêu ví dụ: Đồng bào Sán Chỉ vốn có thói quen để chuồng trại trâu bò, lợn gà ngay sát nhà, vừa để tiện trông nom, vừa tiện chăm sóc. Người Dao thì nhiều năm về trước, nhà nào cũng có 1 thùng nước tiểu để trong góc bếp… Nay xây dựng NTM, muốn bà con bỏ thói quen này cũng không thể “một sớm một chiều” mà phải phân tích, vận động dần dần. Bên cạnh đó, do bà con chủ yếu là hộ nghèo, để bà con di dời, xây sửa nhà vệ sinh thì phải có sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí cho mỗi hộ.
Giải quyết mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới
Từ những bất cập trong công tác xây dựng NTM vùng miền núi phía Bắc, mới đây, Ủy ban dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của phong tục tập quán các DTTS khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng NTM”. Trong đó xác định, một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là phải rà soát, thống kê một số phong tục tập quán tiêu biểu của đồng bào DTTS đang sinh sống tại khu vực miền núi phía Bắc. Từ đó, phát huy những yếu tố tích cực, đồng thời khắc phục, hạn chế những yếu tố chưa phù hợp, còn lạc hậu đang ảnh hưởng đến hiệu quả xây dựng NTM.
Theo Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Ban Chủ nhiệm đề tài cần nhận diện những yếu tố tích cực và tiêu cực của các phong tục tập quán các dân tộc để đề xuất các giải pháp, nhằm giải quyết các mâu thuẫn còn tồn tại. Nếu việc xây dựng NTM loại bỏ toàn bộ các phong tục tập quán của đồng bào thì chương trình xem như không thành công và không phát huy được sức mạnh của cộng đồng.
Từ thực tế điều kiện địa lý, kinh tế, phong tục, tập quán đồng bào các địa phương, các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất cần điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc như: Quy hoạch, hạ tầng về chợ, nhà văn hóa, đường giao thông, thủy lợi; khu nghĩa trang; thu nhập, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tỷ lệ sử dụng nước sạch.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng, một số tiêu chí nên cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của miền núi phía Bắc như: Tiêu chí sử dụng nhà văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang; cần có sự hỗ trợ nhất định trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, đầu tư đào tạo nghề và lao động cho phù hợp với DTTS; có kế hoạch truyền thông, vận động người dân thực hiện, đặc biệt liên quan đến hôn nhân, gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tích cực như các hương ước, quy ước, lễ hội, các nghi lễ mang tính cộng đồng và có tính giáo dục cao…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc UBDT, cho biết: Để thực hiện đề tài đạt hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã triển khai hội thảo tại các vùng, tọa đàm và phỏng vấn ở địa phương. Tất cả các hoạt động này đã được triển khai đồng bộ theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề tài mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia nhằm hoàn thiện và tiến hành nghiệm thu đề tài thành công, góp phần tích cực vào việc hoàn thành xây dựng NTM ở các tỉnh miền núi phía Bắc.