CôngThương - Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tỷ lệ nợ tính trên GDP của Việt Nam lần lượt là: nợ Chính phủ là 45,7%; nợ nước ngoài là 42,2% và nợ công là 57,3%. Ước đến 31/12/2011, tỷ lệ nợ công sẽ là 54,7% GDP.
Ông Huệ phân tích, trong cơ cấu nợ của nước ta có tới 75% là vốn ODA, vay ưu đãi khác chiếm 19% và chỉ có 7% là nguồn vay thương mại. Trong đó, vốn nguồn ODA có thời gian vay rất dài với lãi suất ưu đãi. Ví dụ, khoản vay Ngân hàng Thế giới có thời gian 40 năm, ân hạn 10 năm với lãi suất 0,75%, hay như khoản vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng có thời gian tới 30 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất là 1%. Trong cơ cấu vốn vay ODA của Việt Nam, phần vay từ Nhật Bản cũng chiếm tỷ lệ khá cao, song thời gian vay cũng rất dài, khoảng 30 năm, 10 ân hạn và lãi suất cũng chỉ từ 1-2%.
Sau những số liệu đưa ra, ông Huệ đề nghị khi so sánh với các quốc gia khác về tình hình nợ công, chúng ta cần lưu ý đến thực trạng cơ cấu nợ của Việt Nam: “Các quốc gia khác không giống như Việt Nam mà trong cơ cấu nợ công của họ tỷ trọng vốn vay thương mại chiếm khá lớn”.
Đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính cũng lưu ý Quốc hội về cách tính các khoản nợ công có sự khác nhau giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Nếu các nước phát triển như châu Âu họ tính nợ công theo tỷ lệ giá trị đồng tiền còn ở Việt Nam đang dùng phương pháp giá trị danh nghĩa, do đó, nếu quy giá trị danh nghĩa sang giá trị đồng tiền thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ còn thấp hơn con số hiện nay.
Mặc dù khẳng định tình trạng nợ công của Việt Nam không quá lo ngại nhưng Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Chính phủ đã và sẽ tính toán để có chiến lược, kế hoạch quản lý nợ công, đặc biệt là trong điều kiện nguồn vay ODA đang có xu hướng giảm, vay thương mại tăng lên.
Về cơ cấu khoản nợ Chính phủ, nợ nước ngoài chiếm 58%, nợ trong nước là 42% nhưng hiện tỷ lệ nợ nước ngoài đang giảm, nợ trong nước tăng lên. “Đây là xu hướng tốt vì như thế chúng ta sẽ giảm dần sự lệ thuộc vào nước ngoài và chủ động hơn trong việc vay nợ”- ông Huệ phân tích.
“Nhiều đại biểu Quốc hội nói rất đúng, không quan trọng là chúng ta vay bao nhiêu mà vấn đề là trả nợ như thế nào”- ông Vương Đình Huệ tán thành với quan điểm của đa số ý kiến đại biểu tại hội trường. Nhưng ngay sau đó, ông đã đưa ra những con số khiến tình hình “dịu đi”. Theo đó, thông lệ quốc tế quy định mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng ngân sách trong khi chúng ta mới sử dụng từ 14-16%. Cụ thể, năm 2012 Chính phủ sẽ dành khoảng 100.000/900.000 tỷ đồng ngân sách để trả nợ.
Về sử dụng vốn, đặc biệt là vốn ODA, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, tuyệt đại đa số nguồn vốn ODA được sử dụng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống các đường quốc lộ phía Bắc (quốc lộ 5, 10, 18, quốc lộ 1A, đường Xuyên Á…) và các hệ thống cầu cảng như cảng Cái Lân, nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Hải Phòng…
Còn trái phiếu Chính phủ được sử dụng để đầu tư 250 dự án đường ô tô đến các xã trên cả nước, giúp cải thiện đáng kể điều kiện đi lại và là động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao dân trí cho người dân. Ngoài ra, vốn trái phiếu Chính phủ cũng đã được sử dụng để xây dựng 18.942 phòng công vụ cho giáo viên và 57.723 phòng học, đã có 32.496 phòng hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Về công tác quản lý nợ công trong dài hạn, ông Vương Đình Huệ cho biết: Căn cứ vào Luật Nợ công theo Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính đã xây dựng xong Chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nợ công. Hiện nay, tình hình nợ công được công bố 3 và 6 tháng một lần trên các bản tin quản lý nợ. Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Tài chính thành lập Cục Quản lý nợ và tài chính nước ngoài để tham mưu cho Bộ thống nhất về quản lý nợ công.
Sau những phân tích của mình, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Quốc hội không thay đổi tỷ lệ nợ công đã được Chính phủ xây dựng trong kế hoạch kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015.