Tác nhân nghiêm trọng đến môi trường
Theo Alphanam Green Foundation – một quỹ hoạt động vì môi trường - ống hút nhựa được sản xuất từ những nguyên liệu rất phức tạp, không chỉ có nhựa phế thải mà đôi khi còn có cả nhựa y tế, nhựa nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Những loại nhựa này nếu không được xử lý kỹ dễ gây ra bệnh về khoang miệng cho người sử dụng, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trong khi đó, ống hút nhựa hiện là loại rác thải nhựa phổ biến, xếp thứ 6 trong các loại rác khó phân huỷ, được tiêu thụ nhiều chỉ sau túi nylon. Loại rác thải này cần từ 200 - 500 năm để phân rã và hàng trăm, ngàn năm tiếp theo đó để phân hủy sinh học hoàn toàn.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc họp |
Hiện nay, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 500 triệu ống hút nhựa thải ra môi trường. Những mảnh nhựa khi rơi xuống nước và vỡ ra xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ con người; có rất nhiều loài sinh vật biển bị thương, thậm chí bị chết vì ống hút nhựa.
Nhiều nước trên thế giới hiện đã cấm sử dụng loại ống hút này. Tại bang California (Mỹ) từ năm 2019 có hẳn đạo luật cấm các nhà hàng cung cấp ống hút nhựa cho khách, trừ khi có yêu cầu. Còn tại Anh, mỗi năm có khoảng 8,5 tỷ chiếc ống hút nhựa bị chôn lấp hoặc trôi ra biển. Vì vậy, năm 2019, chính phủ nước này cũng cấm sử dụng ống hút nhựa, đồng thời kêu gọi các nước trong khối Thịnh vượng chung hưởng ứng lệnh cấm. Hiện chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đã thay thế toàn bộ ống hút nhựa bằng ống hút giấy.
Ở Hàn Quốc, chính phủ nước này thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa dùng một lần ở các cửa hàng cà phê cũng như những điểm công cộng vào năm 2027. Đài Loan cũng cấm toàn bộ ống hút nhựa tại các cửa hàng thức ăn nhanh vào năm 2019 và cấm hoàn toàn ống hút nhựa, túi nhựa trên cả vùng lãnh thổ vào năm 2030…
Hưởng ứng thông điệp từ Liên Hợp Quốc, cùng chung nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2019. Việt Nam cũng tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Đến nay, nhận thức của người dân, xã hội về các tác hại và giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Nhiều sáng kiến, hành động chống rác thải nhựa, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cần sự chung tay của doanh nghiệp
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” vào sáng nay, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường - chia sẻ: Kể từ khi phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc được phát động vào tháng 6/2019, điểm sáng lớn là đã tạo được nhận thức rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt giới trẻ về chống rác thải nhựa, tuy nhiên, vẫn cần có những hành động mang tính cụ thể, mạnh mẽ hơn, để đạt mục tiêu đề ra về giảm thiểu rác thải nhựa.
Nhiều chuyên gia cũng nêu quan điểm, trước khi có những quy định, chế tài liên quan đến việc hạn chế, xử phạt việc lạm dụng ống hút nhựa, mỗi người nên nói không với ống hút nhựa khi khả năng của mình vẫn uống được các loại nước giải khát một cách dễ dàng. Nhiều cửa hàng cà phê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước hiện sử dụng ống hút bằng giấy hoặc từ rau củ, vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm sức khỏe của người sử dụng. Mỗi người hãy chung tay hành động để bảo vệ môi trường sống.
Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” sẽ diễn ra trong hai giai đoạn. Giai đoạn một từ tháng 7 - 8/2021, sẽ kêu gọi sự chung tay từ các đơn vị, doanh nghiệp, ngành hàng cung cấp dịch vụ như đồ ăn nhanh, cafe, rạp chiếu phim, chuỗi trà sữa (những đơn vị sử dụng nhiều sản phẩm ống hút nhựa). Ban tổ chức mong muốn từ đó sẽ lan tỏa các thông điệp, truyền cảm hứng hành động tới người dân và cộng đồng trong việc nói không với ống hút nhựa. Giai đoạn 2 diễn ra từ tháng 8 - 12/2021, sẽ triển khai các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, đồng thời lan tỏa, đẩy mạnh chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, mở rộng đối tượng tuyên truyền đến trẻ em, học sinh, trường học.
Nestlé MILO dự kiến hoàn thành chuyển đổi 100% sang ống hút giấy vào tháng 5/2022 |
Là một trong những nhãn hàng sử dụng ống hút giấy từ năm 2020, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - cho biết: “Nestlé là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện lộ trình đưa ống hút giấy vào thay thế dần cho ống hút nhựa và hướng đến thay thế hoàn toàn ống hút nhựa vì một Việt Nam năng động và xanh. Ở vị trí tiên phong, Nestlé hiểu được những thách thức ban đầu trong việc khuyến khích các thói quen tiêu dùng mới và trong việc truyền cảm hứng cho người tiêu dùng quan tâm hơn đến môi trường, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng, đây vẫn là những bước đi cần thiết để góp phần thay đổi những hiện trạng đáng quan ngại về môi trường tại Việt Nam.”
Thông qua việc thay đổi sử dụng ống hút giấy, Nestlé MILO đang góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương của chính phủ Việt Nam. Đây cũng là hành động cụ thể, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn của Tập đoàn Nestlé toàn cầu “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.
Qua chiến dịch này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mong muốn các địa phương cần tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, siêu thị; xây dựng các mô hình điểm hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất túi nilon khó phân hủy…