Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc
Tăng cường xác định mã số vùng trồng
Những năm gần đây, tỉnh Sơn La được đánh giá là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị đã giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La có đầu ra nông sản ổn định, thu nhập bền vững.
Theo đó, xác định sản xuất và tiêu thụ nông sản một cách bài bản, Sơn La đã đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng - mã định danh cho một vùng trồng trọt, giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng xác định quy trình sản xuất của nông sản. Truy xuất nguồn gốc nông sản là các hoạt động liên quan đến theo dõi, nhận diện, truy vết thông tin một đơn vị sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối.
Sơn La đã đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng. (Ảnh - CTV) |
Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn /chu-de/tinh-son-la.topic đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Sorimachi tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng zoom cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh sử dụng các phầm mềm chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng trên toàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn về thiết lập quản lý, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt cho thành viên của các tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đồng thời, triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 216 mã số vùng trồng, trong đó có 205 mã phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích gần 3.000ha và 11 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích trên 150ha.
Thành công nhờ liên kết chuỗi
Song song với xây dựng các mã số vùng trồng nhằm giúp nông sản dễ truy xuất nguồn gốc, Sơn La còn đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có 740 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, có 184 hợp tác xã nông nghiệp có tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; 86 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết; 49 hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; gần 200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Sơn La đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. (Ảnh - VTV) |
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP. Một số sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Điển hình như vườn thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu với gần 13ha đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2020. Những năm gần đây, nhờ chăm sóc, canh tác theo hướng hữu cơ, đúng tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng, chất lượng quả thanh long luôn đảm bảo cho việc xuất khẩu. Năm vừa qua, vườn thanh long của Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận đã cho thu hoạch gần 200 tấn quả và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Nga, số còn lại đều tiêu thụ thuận lợi.
Để thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã tập trung, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ những dự án này, hàng chục nghìn lao động địa phương tại các vùng nguyên liệu có việc làm và đặc biệt sản phẩm của họ làm ra vừa đảm bảo chất lượng, vừa có hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ trồng cà phê ở Thành phố Sơn La không còn bị tư thương ép giá nhờ liên kết sản xuất với HTX cà phê Bích Thao. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định, còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, cho biết: Năm 2017, tôi đã liên kết với 11 hộ trồng cà phê ở bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La thành lập HTX cà phê Bích Thao, quy mô 50ha cà phê và ký hợp đồng thu mua với 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Với mục đích nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu cà phê, HTX tập trung mở rộng quy mô sản xuất; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, triển khai mô hình trồng cà phê an toàn tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cà phê đặc sản xuất khẩu theo hướng bền vững; xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao. Năm 2023, dự kiến sản lượng HTX đạt 4.000 tấn cà phê; trong đó, xuất khẩu 90-95%, giá trị ước đạt 15-20 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn có nhiều doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến đang hoạt động hiệu quả, như các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả liên kết sản xuất, tiêu thụ với các cơ sở chế biến nông sản, hệ thống siêu thị, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu nông sản; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 580 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa; hàng trăm hộ sản xuất ngô cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR; 16 cơ sở, nhà máy chế biến chè ký kết trên 7.000 hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ chè...
Nhờ sự nỗ lực lớn, tổng sản lượng cây ăn quả tiêu thụ từ đầu năm tính đến ngày 30/8/2024 đạt 280.442 tấn, ước đạt 74% tổng sản lượng cả năm, giá trị ước đạt 4.292.717 triệu đồng. Hiện, một số sản phẩm nông sản của tỉnh đã kết thúc vụ thu hoạch như sản phẩm mận đã thu hoạch và tiêu thụ xong với tổng sản lượng đạt 81.010 tấn, giá trị đạt 1.305.890 triệu đồng. Sản phẩm xoài đã thu hoạch và tiêu thụ xong với tổng sản lượng đạt 70.882 tấn, giá trị ước đạt 499.979 triệu đồng… Tỉnh phấn đấu giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2024 đạt trên 196 triệu USD.