CôngThương - Trước đây, khi đàm phán hợp đồng tập trung, do số lượng lớn và giá cao so với giá thương mại, nên giá lúa gạo sẽ lên cao khi doanh nghiệp đàm phán thành công. Còn năm nay, các đối tác thay đổi chiến thuật đàm phán theo hướng đợi giá lúa của nông dân xuống thấp mới tổ chức mua, dùng giá gạo nội địa để ép giá gạo xuất khẩu, kể cả chia nhỏ việc nhập khẩu theo nhu cầu thành nhiều đợt. Ngay cả đối với các hợp đồng tập trung, không chỉ Philippines mà các đối tác khác như Indonesia, Malaysia, Bangladesh cũng có chiến thuật thu mua để có giá tốt nhất, gần như tương đương giá thương mại.
Theo đánh giá của một quan chức của bộ Công thương, vào thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3, do nhu cầu thương mại thấp và việc Philippines bắt đầu áp dụng chiến thuật cho tư nhân tiếp cận mua gạo, nên giá gạo Việt Nam sụt giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu do lo ngại giá sẽ tiếp tục giảm khi vào chính vụ đông xuân nên giao dịch số lượng lớn (đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tháng 3 gần 1 triệu tấn). Mặc dù giá gạo xuất khẩu không được tiết lộ, nhưng một số nguồn tin xác nhận mức giá bán trong giai đoạn này chỉ xoay quanh 430 – 440 USD/tấn gạo 5% tấm, còn loại 25% dưới 400 USD/tấn (FOB). Ngay cả cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) cũng cho rằng, họ mua được hàng trăm ngàn tấn gạo cấp thấp của Việt Nam với giá 480 USD/tấn, bao gồm cả phí vận chuyển, thanh toán sau 270 ngày sau khi hàng đến tại cảng Philippines. Trong khi đó, giá mỗi tấn gạo tại thị trường Philippines thấp nhất là 674 USD. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mặc dù đã tăng lên 480 – 485 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với giá nội địa của Philippines là trên 600 USD/tấn.
Nguồn tin từ hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tới nay các doanh nghiệp đã ký bán khoảng 230.000 tấn gạo theo kênh tư nhân cho Philippines. Do bán gạo ở thời điểm giá lúa gạo nội địa quá thấp, đến nay phải giao hàng thì giá tăng cao nên doanh nghiệp mới giao hơn 23.000 tấn và không loại trừ khả năng một số hợp đồng không thực hiện được.
Ngoài Philippines, thì hiện giá gạo nội địa ở Trung Quốc cũng đang cao hơn nhiều so với giá gạo mà họ mua từ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu mua gạo của Trung Quốc không được xác định rõ do nước này luôn giữ kín thông tin liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu lương thực. Tuy nhiên, số lượng gạo mà doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đến hết tháng 4 này, theo bộ Công thương, là 200.000 tấn và ước tính cộng thêm khoảng 100.000 tấn qua đường tiểu ngạch. Cũng như thị trường Philippines, giá nội địa Trung Quốc hiện nay vào khoảng khoảng 505 – 510 USD/tấn gạo 5%, tương đương hơn 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo 5% Việt Nam hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3 chỉ dao động 430 – 440 USD/tấn, nếu cộng với giá cước tương đối thấp (khoảng 6 USD/tấn), vẫn còn quá hấp dẫn đối với nhu cầu từ Trung Quốc.