Ông Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện khí LNG
Sau gần 20 năm, Luật Điện lực đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng tồn tại một số hạn chế, trong đó, có cơ chế bù chéo giá điện. Theo đó, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, cho nên Chính phủ mong muốn thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, Chính phủ đề cập 6 chính sách lớn, trong đó có ba nội dung quan trọng. Thứ nhất, quy hoạch điện; thứ hai, đầu tư các dự án, công trình điện quan trọng; thứ ba là giá mua điện, trong đó, có giá điện sinh hoạt, giải quyết những bất cập, bức xúc trong thực tiễn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) cần sớm được thông qua để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh |
Đánh giá về sự cấp thiết phải thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) cùng với kiến nghị của Chính phủ theo quy trình một kỳ họp, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết, tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 26/10/2024. Theo đó, có thể khẳng định, Luật Điện lực (sửa đổi) phải cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, tiêu dùng.
"Tôi có được tham gia góp ý cho dự thảo số 4 và số 5 của Luật Điện lực (sửa đổi) và đã có ý kiến về việc cần sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư dự án điện để hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII cũng như các cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 (net-zero) - ông Sơn nói.
Về vấn đề vì sao cần thiết sớm thông qua Luật Điện lực, thông tin về vấn đề này, ông Sơn cho hay, Quy hoạch điện VIII đã được ban hành từ năm 2023, tuy nhiên kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện mới được ban hành vào đầu năm 2024.
"Một trong những lý do khiến cho kế hoạch này không thể ban hành sớm là do thiếu các căn cứ pháp lý liên quan tới cả lĩnh vực đầu tư công (áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN...) lẫn đầu tư tư nhân (cả về đầu tư nguồn điện cũng như lưới điện), khiến cho cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn trong việc đưa ra các phương án thực thi phù hợp hoặc đề xuất các cơ chế chính sách liên quan" - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện cũng đã bộc lộ những vấn đề liên quan tới căn cứ pháp lý, dẫn tới các rủi ro trong việc đảm bảo tiến độ đầu tư nguồn điện như quy định trong Quy hoạch điện VIII.
Phát triển điện khí LNG là một hướng đi tất yếu bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam. |
Liên quan tới việc thu hút đầu tư nguồn điện khí LNG, dự thảo lần 5 đã nêu ra các điểm quan trọng về cam kết tỷ lệ sản lượng điện tối thiểu (Qc) cũng như nguyên tắc tính giá điện theo giá nguyên liệu (nguyên tắc "chuyển ngang giá" hay "pass-through"). Đây là nội dung được khối tư nhân đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc hiện tại, để các dự án nguồn điện LNG trong Quy hoạch điện VIII sớm được triển khai đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, và việc chậm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư các dự án này.
Về việc liên quan tới các dự án điện năng lượng tái tạo, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý mang tính dài hạn cho các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, thay vì phải xây dựng Luật mới về năng lượng tái tạo.
Với hiện trạng các dự án điện gió ngoài khơi đang gặp rất nhiều khó khăn, việc thiếu các căn cứ pháp lý cũng như đồng bộ hóa các luật liên quan do Luật Điện lực sửa đổi không được thông qua kịp thời sẽ khiến các nhà đầu tư tư nhân mất niềm tin và làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII.
Ông Sơn cũng chỉ ra, có một số nội dung quan trọng trong dự thảo cần được làm rõ hoặc điều chỉnh/bổ sung, bao gồm: Việc bổ sung nguồn năng lượng nguyên tử như một dạng nguồn quan trọng trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, đồng thời được coi là nguồn năng lượng sạch, không có phát thải khí nhà kính sẽ được quy định như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Điện lực, Luật Năng lượng nguyên tử cũng như các Luật và các quy định pháp luật khác.
“Về tổng thể, cần sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vì càng thông qua muộn thì càng ảnh hưởng tới việc đảm bảo an ninh cung ứng điện, tuy nhiên các bên liên quan cần tích cực hơn để hoàn thiện luật nhằm đảm bảo tính khả thi” - ông Sơn nhấn mạnh.