Phát triển thương mại điện tử: Rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương
Thương mại điện tử đem lại lợi ích lớn trong việc quảng bá sản phẩm |
Mất cân bằng chỉ số
Báo cáo về chỉ số TMĐT Việt Nam 2018 (EBI 2018) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho thấy, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu về chỉ số TMĐT với điểm tổng hợp là 82,1 điểm, tiếp theo là Hà Nội với 79,8 điểm. Đặc biệt, Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng với 54,9 điểm, tiếp theo là Đà Nẵng và Bình Dương. Dù thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu nhưng khoảng cách giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với 3 tỉnh, thành phố còn lại rất lớn. Ngay cả khoảng cách giữa Hà Nội xếp thứ 2 và Hải Phòng xếp thứ 3 cũng đã cách nhau tới 24,9 điểm. Khoảng cách giữa địa phương xếp thứ nhất là TP. Hồ Chí Minh và địa phương đứng cuối bảng xếp hạng (Bắc Kạn) lên tới 56,1 điểm. Điều này cho thấy chênh lệch về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương vẫn rất cao.
Đặc biệt, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có 9 tỉnh không xuất hiện trong EBI 2018, gồm 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La), 4 tỉnh miền Tây Nam bộ (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng). Đây là những tỉnh có số tên miền quốc gia .vn thấp, trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền. Trong khi, TP. Hồ Chí Minh là 52 dân/1 tên miền, Hà Nội là 48 dân/1 tên miền…
Thu hẹp khoảng cách
Đại diện VECOM nhận định, năm 2017, đã có nhiều hoạt động từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển TMĐT giữa 2 trung tâm kinh tế lớn với các địa phương khác nhưng kết quả thu được còn thấp. Việc thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò "đầu tàu" về TMĐT của hai trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển TMĐT nhanh và bền vững.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) - cho biết, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có chỉ số TMĐT thấp. Hiện, Cục đang tập trung xây dựng các kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương như: Đào tạo năng lực quản lý nhà nước về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT... sẽ giúp các địa phương nâng cao thứ hạng.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia cũng được tiếp tục tập trung thực hiện như: Nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến, hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến, giải pháp đào tạo trực tuyến về TMĐT; nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán… Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số: Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục triển khai Chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2018; hỗ trợ địa phương xây dựng và thực hiện đề án ứng dụng, hỗ trợ DN tham gia TMĐT. |