Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam đã phát huy vai trò và khẳng định vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế phát triển và hội nhập sâu rộng hơn có nghĩa là phụ nữ cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội. Bởi hội nhập kinh tế đã phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Hội nhập kinh tế tạo cho họ có nhiều cơ hội hơn trên thị trường lao động….qua đó, vai trò của phụ nữ trong xã hội không ngừng được nâng cao. Nhưng đây cũng chỉ mới là bước khởi đầu thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tham dự và phát biểu tại Hội nghị |
Khi Việt Nam tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh càng trở nên gay gắt thì thách thức lại càng lớn, và ở mỗi lĩnh vực đều có bất lợi đối với nữ giới. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu và mở của ngày càng rộng đối với nông sản nhập khẩu và các hàng hóa khác có thể sẽ dấn đến nguy cơ việc làm hoặc thu nhập bấp bênh đối với nữ lao động trong nông nghiệp và các ngành sản xuất liên quan. Đối với doanh nhân nữ, những nữ chủ doanh nghiệp bên cạnh những khó khăn về vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu lao động lành nghề, còn gặp nhiều khó khăn lớn hơn là sự chênh lệch về trình độ học vấn, kinh nghiệm doanh nhân, các mối quan hệ và ảnh hưởng trong xã hội. Mặt khác, sự phát triển của các ngành có giá trị gia tăng cao trong hội nhập kinh tế như dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông …sẽ dẫn đến thu hẹp việc làm và giảm thu nhập của lao động nữ vì lao động nữ hiện nay chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất giày da, dệt may, chế biến nông sản..
|
Tuy nhiên, trong các điều khoản của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia có rất nhiều nội dung mà nếu biết tận dụng sẽ là những cơ hội tốt cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ doanh nhân quản lý. Chính vì vậy, việc nắm bắt các thông tin để đưa ra kế hoạch kinh doanh là rất cần thiết, đó là mấu chốt giúp cho doanh nghiệp thành công.
Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế |
Cũng tại hội thảo, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, năm 2015 là năm bản lề về hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nữ quản lý nói riêng sẽ phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn trong quá trình hội nhập. Cùng với đó là những lợi ích mà Việt Nam có thể sẽ được hưởng nếu tận dụng được đúng những cơ hội mà Hiệp định mang lại. Ông Trịnh Minh Anh cũng chỉ ra rằng, có hai vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm: Về phía Trung ương, cần chế định hóa các kết quả đàm phán vào các văn bản mà các Bộ quản lý, đặc biệt là Bộ Công Thương. Còn đối với doanh nghiệp, cần chế định hóa các văn bản luật Trung ương vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các diễn giả đã lần lượt giới thiệu những cơ hội cũng như thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi Việt Nam gia nhập các FTA.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương |
Chia sẻ về những điểm cần lưu ý đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định KVTFA cho biết, thị trường Hàn Quốc là thị trường phát triển nhiều năm, nên việc tiếp cận và thâm nhập vào thị trường này là không dễ dàng. Nếu muốn tiếp cận thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đi theo 3 hướng: Đó là tìm kiếm khả năng hợp tác với các đối tác Hàn Quốc thông qua việc tra cứu thông tin trên internet; cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường Hàn Quốc, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm của mình vào thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ nhóm thị trường đặc thù, đó là cộng đồng Việt Nam đang học tập và lao động tại Hàn Quốc. Ông Sơn cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại mà các đơn vị của Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại, thường xuyên tổ chức. Đây là hướng đi tốt để có thể tìm hiểu cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường này.
Giới thiệu và hướng dẫn triển khai các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh như thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ. Bên cạnh đó, cần đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh. Còn về phía địa phương cần làm cầu nối, xúc tác giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để chuyển tải, đẩy mạnh thông tin đến doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hình thức như xúc tiến thương mại, đào tạo, thông tin; quy hoạch, định hướng giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi bởi các FTA; đồng thời địa phương cũng cần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.