Tháng 2/2024: Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng tăng 2,6% so với cùng kỳ Đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh chạy qua 10 địa phương |
Triển khai Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải ngành đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu đến năm 2030 sẽ khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ, cửa khẩu quốc tế trên cả nước.
Việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt kết nối TP. Hải Phòng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thúc đẩy hoạt động logistics trong khu vực. Ảnh: Minh họa. |
Đây là nội dung chính trong văn bản trả lời của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến kiến nghị của TP. Hải Phòng về việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt kết nối TP. Hải Phòng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh thành khác mục tiêu phát triển TP. Hải Phòng trở thành trung tâm logistic của cả nước và khu vực.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được phê duyệt, trong tương lai, khu vực TP. Hải Phòng sẽ hình thành đầu mối đường sắt bao gồm 3 tuyến đường sắt gồm Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu và các tuyến đường sắt xây mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định, kết nối với mạng lưới đường sắt Việt Nam và các cửa khẩu quốc tế có kết nối đường sắt Đồng Đăng đi Quảng Tây (Trung Quốc); Lào Cai đi Vân Nam (Trung Quốc…).
Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận số 49-KL/TW). Trong đó, đến năm 2030, phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hoà - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn...); đến năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị và triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phấn đấu khởi công và xây dựng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ngoài ra, giao Cục Đường sắt Việt Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai lập quy hoạch chi tiết 2 tuyến đường sắt (Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái) để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.
Việc kết nối Hải Phòng với Vân Nam (Trung Quốc) bằng đường sắt sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thúc đẩy hoạt động logistics trong khu vực. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa và tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.