CôngThương - Thâm hụt kéo dài
Mức bội chi của Pháp đã quá đà so với mức quy định của khối đồng tiền chung châu Âu là 3%/năm. Nợ công nước này, bao gồm nợ nhà nước, nợ của các quỹ an sinh xã hội và các chính quyền cấp vùng trong năm tài khóa 2010 vào khoảng 1.591,2 tỉ EUR, chiếm 81,7% GDP. Trong khi đó, để được tham gia khối đồng tiền chung châu Âu, con số cho phép chỉ là 60%. Thực trạng đó khiến Ủy ban châu Âu EC liên tục lên tiếng yêu cầu Chính phủ của ông Nicolaz Sarkozy phải có những biện pháp quyết liệt để cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Cuộc khủng hoảng kinh tế trong các năm 2008- 2010 đã biến ngân sách Pháp thành nạn nhân khi thu ngân sách không bù nổi chi. Các khoản thu từ thuế và phí năm 2010 chỉ đạt 274,9 tỷ EUR nhưng riêng việc chi trả nhiều khoản nợ lớn và chi cho hệ thống an ninh xã hội năm 2010 đã mất 452,7 tỉ EUR. Trước đó, năm 2009 con số này là 367,1 tỉ EUR.
Bài toán khó giải
Khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp của Pháp, khốn đốn. Do vậy, chính phủ Pháp đang thận trọng giải bài toán ưu tiên nợ công hay duy trì thâm hụt ngân sách nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của OFCE, cơ quan quan sát về tình hình kinh tế Pháp, thâm hụt ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay là điều cần thiết hơn bao giờ hết khi động cơ tăng trưởng kinh tế bị suy sụp, chính phủ phải giúp đỡ cho khu vực kinh tế tư nhân và kích thích sức mua cho các gia đình bị thất nghiệp.
Tuy nhiên, cũng theo OFCE, nếu ngân sách nhà nước luôn ở trong tình trạng thiếu hụt kinh niên thì đó là một tín hiệu xấu và buộc phải chấm dứt chính sách bội chi đó bằng hai cách: hoặc cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để cân đối ngân sách. Cả hai biện pháp này đều gây cản trở đối với tăng trưởng kinh tế. Hiện nước Pháp dưới sự cầm quyền của Đảng cánh hữu đang ưu tiên biện pháp thứ nhất.
Kinh nghiệm thực tế tại các nước châu Âu như Anh, Thụy Điển cho thấy, có thể giảm bội chi ngân sách thành công mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Vào những năm 90, chính phủ các nước này vừa thắt chặt chi tiêu công vừa hạ lãi suất ngân hàng, kích thích sản xuất và tiêu dùng nội địa, hoặc giảm giá đồng nội tệ, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhưng với Pháp hay các nước trong khối đồng tiền chung châu Âu, cả hai biện pháp này họ đều không thể tự áp dụng. Bởi Ngân hàng châu Âu mới là người quyết định chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái cho toàn khối.
Ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử tổng thống?
Trong khi người dân Pháp mong chờ cuộc bầu cử Tổng thống mới diễn ra vào năm 2012 sẽ mang lại “luồng gió mới” cho nền kinh tế thì mới đây, ngày 12/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại đưa ra cái nhìn ít lạc quan. Trong báo cáo “Giám sát tài chính công” của mình IMF khẳng định, có nguy cơ các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản và nhiều nơi khác nữa sẽ làm phức tạp hóa việc thực hiện chính sách giảm thâm hụt ngân sách.
Không chỉ vậy, tổ chức này còn đưa ra nhiều con số khác với những gì mà bà Christine Lagarde- Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp- đã dự đoán vào tuần trước. Nếu bà Lagarde dự đoán thâm hụt ngân sách năm 2011 là 5,7 % GDP, năm 2012 là 4,6% GDP và năm 2013 là 3% thì IFM nâng lên tương ứng 5,8%; 4,9%; 4%. “Mục tiêu 3% chỉ có thể đạt được vào năm 2014”- cơ quan này khẳng định. Theo đó, thâm hụt ngân sách năm 2011 của Pháp sẽ cao hơn các nước láng giềng như Đức (2,3%), Bỉ (3,9%), Italia (4,3%).
Cũng theo tính toán của IMF, trong 60 nước khảo sát, Pháp bị xếp vào nhóm 9 nước có thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn mức trung bình thế giới, cùng với Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ai len và Bồ Đào Nha.
Cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp dự kiến diễn ra vào tháng 4, tháng 5/2012. Chủ tịch IFM, ông Dominique Strauss-Kahn, đang cân nhắc việc tham gia tranh cử vào làm chủ Điện Elysée.