CôngThương - Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ ba để thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; xem xét, quyết định việc ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu khách mời đã về dự Hội nghị và xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí,
Trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ và các ban đảng tích cực chuẩn bị các báo cáo, dự thảo kế hoạch và đề án. Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi các tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Với tinh thần đổi mới, thiết thực trong phát biểu khai mạc Hội nghị, tôi xin lưu ý thêm một số khía cạnh có liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình xem xét, thảo luận, quyết định.
1- Về nhóm các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội
Việc xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội hằng năm là công việc thường kỳ của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, năm nay (năm 2011) là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng với việc xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương còn phải xem xét, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lại đang có những khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương dành thời gian thích đáng cho nội dung này.
Trong năm 2011, sau Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Trung ương đã lãnh đạo, tiến hành thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã triển khai một loạt công việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, đồng thời nỗ lực phấn đấu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tư tưởng chỉ đạo của Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách, biện pháp của Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ. Đến nay, đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân có không ít vấn đề phải khẩn trương giải quyết. Kinh tế thế giới đang phải đối đầu với khủng hoảng nợ công ở Mỹ và Châu Âu; tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi; hậu quả động đất, sóng thần, thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản; thiên tai, dịch bệnh ở nhiều nơi do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu… Tình hình đó sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác để có chủ trương, chính sách phù hợp.
Vừa qua, các báo cáo, tài liệu của Ban cán sự đảng Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; đã lắng nghe, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của các ngành và các cơ quan, các chyên gia, các nhà khoa học. Bộ Chính trị cũng đã dành một ngày để nghe và cho ý kiến. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn và rất hệ trọng, không ít nội dung còn có ý kiến khác nhau, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương căn cứ vào Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, các tài liệu tham khảo và thực tiễn tình hình ở địa phương, đơn vị mình, tập trung thảo luận với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới. Ví dụ: cần trả lời câu hỏi, hiện nay kinh tế - xã hội nước ta đang ở đâu; đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất chưa; xu hướng sắp tới thế nào ? Nhận định, đánh giá chuẩn xác tình hình và dự báo đúng xu hướng phát triển là căn cứ rất quan trọng để có quyết sách đúng. Ở đây, đòi hỏi một phương pháp và cách nhìn thật sự khách quan, khoa học, toàn diện, cụ thể, biện chứng.
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, đề nghị Trung ương cho ý kiến về những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất. Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm. Xác định đúng đắn những nhiệm vụ và giải pháp mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phải đồng tâm, hiệp lực tổ chức thực hiện và đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.
Từ đó đề ra mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất để định hướng cho Quốc hội xem xét, quyết định và Chính phủ tính toán các cân đối chủ yếu liên quan đến phương án tăng trưởng và nguồn vốn đầu tư, cân đối ngân sách, mức lạm phát, nợ công, nhập siêu ở mức hợp lý. Tạo cơ sở và điều kiện cho Chính phủ có thể linh hoạt điều hành phù hợp với cơ chế thị trường và tình hình kinh tế đang có nhiều biến động phức tạp.
Chú ý phân tích các mối quan hệ và thứ tự ưu tiên giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội,...
Về định hướng các giải pháp, cần chú ý các vấn đề rất quan trọng như: Đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công; đổi mới, cơ cấu lại thị trường tài chính, tập trung ưu tiên cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội cấp bách như giáo dục, y tế, lao động, việc làm...; xiết lại kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
2- Về nhóm các vấn đề Quy định thi hành Điều lệ Đảng
Xét tầm quan trọng của việc thi hành Điều lệ Đảng, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định nâng thẩm quyền ban hành các văn bản "Quy định thi hành Điều lệ Đảng", "Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng" và "Quy định những điều đảng viên không được làm" từ Bộ Chính trị lên Ban Chấp hành Trung ương. Việc ban hành và tổ chức thực hiện 3 văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả thi hành Điều lệ Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đảng viên và các tổ chức đảng, sức mạnh và sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng.
Nhiều khóa trước đây, các văn bản này đã được ban hành và thực hiện tương đối có nền nếp và kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Các quy định, hướng dẫn lần này cần căn cứ vào Điều lệ Đảng khóa XI, kế thừa các quy định còn phù hợp của khóa X và bám sát thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng lâu nay, bảo đảm tính khả thi cao.
Những nội dung mới của Quy định thi hành Điều lệ đảng lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Quy định nhiệm vụ của đảng viên cho phù hợp với quy định mới của Điều lệ Đảng khóa XI; bổ sung quy định về trách nhiệm của đảng viên trong việc thực hiện quyền phê bình, chất vấn, kiến nghị đối với cá nhân, tổ chức đảng; cụ thể hóa nội dung giới thiệu người vào Đảng; quy định việc kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; xử lý việc kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức sai quy định; cách tính tuổi đảng của đảng viên; nội dung phát thẻ đảng viên; điều kiện lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng; quy định việc lập đảng bộ, chi bộ và chỉ định cấp ủy ở những nơi mới thành lập; cụ thể hóa quy định cấp ủy khóa mới điều hành công việc ngay sau khi được bầu; việc điều động cấp ủy viên; việc thôi tham gia cấp ủy khi chuyển công tác, nghỉ hưu; chỉ định cấp ủy ở nơi chia tách, hợp nhất, thành lập mới; việc lập tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy cấp huyện; một số quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và tổ chức ủy ban kiểm tra; về tặng huy hiệu Đảng cho đảng viên; việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại, kỷ luật trong Đảng...
Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI tập trung vào các vấn đề như: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp, bao gồm việc thành lập ủy ban kiểm tra, chuẩn y thành viên ủy ban kiểm tra; tổ chức và chế độ hoạt động của ủy ban kiểm tra; nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp. Sửa đổi việc thi hành kỷ luật trong Đảng, bao gồm việc xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên; nguyên tắc, phương pháp xử lý kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; cách thức, thủ tục xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm v.v...
Quy định những điều đảng viên không được làm (Quy định số 115) được Bộ Chính trị khóa X ban hành ngày 07-12-2007. Thực tế gần 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, các quy định này là rất cần thiết; những nội dung của Quy định cơ bản là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới hiện nay, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số nội dung thuộc những lĩnh vực quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái, hư hỏng, tiêu cực trong Đảng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi nhưng vẫn chưa được điều chỉnh cũng cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Thưa các đồng chí,
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Điều lệ Đảng, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho một vài năm trước mắt mà cho cả nhiệm kỳ, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cả về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, trao đổi thẳng thắn để xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp. Đối với 3 văn bản "Quy định thi hành Điều lệ Đảng", "Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng" và "Quy định những điều đảng viên không được làm", đề nghị các đồng chí sửa trực tiếp vào các điều khoản cụ thể.
Tại Hội nghị Trung ương hai khóa XI (tháng 7-2011), chúng ta đã có những cải tiến, đổi mới nhất định về cách thức tiến hành Hội nghị. Đề nghị Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, tận dụng tối đa thời gian, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể để từng bước nâng cao chất lượng các phiên họp, hoàn thành tốt đẹp chương trình đã đề ra.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Chúc Hội nghị thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.