Trong khi kịch bản phát hành trái phiếu quốc tế còn chưa thành hình, đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn về thể trạng của nền kinh tế, về mục đích huy động vốn để cơ cấu lại các khoản nợ và nỗi lo về rủi ro lãi suất hay biến động tỷ giá sẽ tăng thêm áp lực và gánh nặng nợ nần. Chưa kể đến các quan điểm khác nhau về lợi ích khi phát hành trái phiếu ngoại tệ ở thị trường trong nước hay quốc tế, việc sử dụng và kiểm soát nguồn vốn sau khi huy động bằng trái phiếu ngoại tệ...
Đặt giả thiết đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, thị trường sẽ chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử, 3 tỷ USD trái phiếu của Việt Nam được bán ra thị trường quốc tế. Nhưng không ai có thể tiên liệu được khả năng tiếp nhận của thị trường tài chính cũng như các nhà đầu tư quốc tế đối với số trái phiếu này; lợi ích của việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam liệu có đáp ứng được kỳ vọng như mong đợi hay không.
Dẫu rằng vậy nỗ lực “xoay sở” của Bộ Tài chính cũng cần được ghi nhận và đánh giá cao. Vì trước đây không lâu, Bộ Tài chính vừa hoàn tất khoản vay 30.000 tỷ đồng với Ngân hàng Nhà nước để cân đối ngân sách. Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng phát hành trái phiếu ở thời điểm này là giải pháp thỏa đáng, hợp lý, vừa tiết kiệm cho ngân sách, vừa có lợi cho nền kinh tế.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nhận định để cơ cấu lại những khoản nợ trái phiếu Chính phủ được phát hành với kỳ hạn ngắn từ nhiều năm trước và giờ đã tới hạn phải trả, thì việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để huy động nguồn lực trang trải là đúng đắn và không có gì để hoài nghi.
Xét ở góc độ chi phí vốn và đánh giá những đặc trưng của thị trường tài chính thì sẽ không có thời điểm tốt hơn và thuận tiện hơn lúc này để huy động vốn giá rẻ, lãi suất thấp để hoàn trả cho những khoản nợ với lãi suất cao hơn mà Việt Nam đã phải vay quốc tế để đầu tư phát triển trong nhiều năm qua.
Đúng như băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội, 3 tỷ USD là con số không nhỏ và gánh nặng trả nợ sẽ trực tiếp tác động tới nợ công của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.
Song cần thẳng thắn nhìn nhận là trong bối cảnh hiện nay, khi mọi nguồn lực của nền kinh tế còn eo hẹp, đội ngũ doanh nghiệp - vốn là đòn bẩy cho nền kinh tế lại chưa có nhiều động lực để bứt phá... thì dường như không còn lựa chọn nào khác để tính chuyện trả nợ. Không những thế, đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế cần được xem là giải pháp khả thi nhất để cùng lúc giải quyết nhiều bài toán khó khác cho ngân sách Nhà nước.
Đây cũng là điều thường thấy trên thị trường tài chính quốc tế và được Chính phủ nhiều nước trên thế giới áp dụng khi cần xử lý nợ cho các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn ngày, ông Lê Quang Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán SCS, Chuyên gia phân tích đầu tư tài chính thuộc Hiệp hội chuyên gia đầu tư toàn cầu (CFA) bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế của Bộ Tài chính.
Ông Hải lập luận chủ trương này sẽ giải quyết việc đầu tiên là “có tiền cái đã” để trả cho gánh nợ trước mắt. Vấn đề là thời điểm phát hành, thời hạn của trái phiếu cũng như có phát hành 3 tỷ USD trái phiếu cùng lúc hay không. Cũng như mọi hình thức đầu tư sẽ đều khó tránh rủi ro. Nhưng nếu Việt Nam trì hoãn thời điểm phát hành trái phiếu quốc tế, có thể sẽ gặp phải nguy cơ chi phí huy động vốn cao hơn, vì nhiều khả năng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
"Ai cũng hiểu rằng sau 5 năm đến 10 năm nữa cũng lại tới hạn để trả những khoản nợ này. Nhưng đó là câu chuyện khác và ở bối cảnh mà Việt Nam có nhiều sự lựa chọn khác,” ông Hải nói.
Ông Hải nhấn mạnh bản thân ông cũng như rất nhiều nhà đầu tư tài chính đều mong đợi quyết định phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Bởi lẽ ngoài lý do trả nợ thì điều cốt yếu là với việc huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế sẽ cho thấy sự thay đổi về vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, phản hồi dư luận về việc sẽ cùng lúc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trả lời báo chí rằng: “Cần đến đâu phát hành đến đó và trước khi đi vay phải cân nhắc giữa việc vay trong nước có lợi hơn hay vay nước ngoài có lợi hơn. Số tiền 3 tỷ USD là mức trần mà Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho phép để thực hiện trong năm 2015 và 2016 chứ không phải Quốc hội đồng ý là tiến hành phát hành ngay, phát hành hết 3 tỷ USD, mà phải tính đến yếu tố hiệu quả sử dụng tiền vay, giữa trong và ngoài, giữa ngắn hạn và dài hạn."
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định khi phát hành trái phiếu ngoại tệ ở thị trường trong nước phải đặt trong mối quan hệ với chính sách tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, sau khi đã cân nhắc nhiều yếu tố, Bộ Tài chính cho rằng đi vay ở thị trường vốn quốc tế sẽ khả thi hơn nhiều so với việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ ở trong nước.