Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị.
CôngThương - Công nghiệp đóng vai trò quan trọng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu- cho rằng: Miền núi Bắc bộ, khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch gắn liền với kinh tế cửa khẩu và thủy điện. Tuy nhiên, thời gian qua, các địa phương chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phần lớn do nguồn kinh phí đầu tư còn nhiều hạn chế, nên hội nghị lần này cần đưa ra được nhiều các giải pháp tháo gỡ khó khăn; tập trung đẩy nhanh các giải pháp, đồng thời khắc phục những tồn tại.
Trong phân vùng quy hoạch tổng thể phát triển các ngành Công Thương, Vùng trung du và miền núi phía Bắc có 14 tỉnh bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước, có vai trò to lớn về môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; là cửa ngõ chính quan trọng trong triển khai phát triển kinh tế Việt Nam và các nước Asean với Trung Quốc.
Phát huy những lợi thế đó nên, 6 tháng đầu năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp (CN) của vùng (theo giá cố định năm 1994) ước đạt 31.676,5 tỷ đồng, tăng 17,17% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 48,11% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong đó có một số tỉnh có tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 là: Lai Châu tăng 132,28%; Sơn La tăng 43,45%; Lào Cai tăng 39%; Yên Bái, Thái Nguyên tăng trên 22%...
Tại hội nghị, đại diện Cục Công nghiệp địa phương- cho biết: Kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2013 được duyệt của 14 tỉnh, thành phố khu vực trung du miền núi Bắc Bộ là 30,172 tỷ đồng, tăng 11,38% so với kinh phí thực hiện năm 2012. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc (KCQG) gia hỗ trợ 16,104 tỷ đồng, tăng 16,5% so với thực hiện năm 2012, chiếm 18,25% tổng kinh phí KCQG toàn quốc năm 2013 và chiếm 53,37% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2013 đã có 13/14 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương, với tổng kinh phí là 14,067 tỷ đồng, bằng 97,5% so với thực hiện năm 2012, chiếm 46,63% tổng kinh phí khuyến công toàn vùng.
Cũng trong 6 tháng, tổng kinh phí ước thực hiện trên khu vực là 7,576 tỷ đồng, đạt 25,11% kế hoạch năm.
Theo kế hoạch, năm 2013 cả vùng có 14/14 Trung tâm thực hiện hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, với tổng doanh thu của hoạt động tư vấn cho 163 dự án dự kiến là 4,624 tỷ đồng, tăng 28,8% so với năm 2013. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2013 đã tư vấn cho 61 dự án, với doanh thu 1,824 tỷ đồng, đạt 39,44% kế hoạch năm.
Dự kiến đến năm 2020, trong toàn vùng có 255 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích đất khoảng 9.084 ha, đến nay trong vùng đã có 84 cụm CCN có quyết định thành lập, với diện tích 3.033 ha; có 107 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 60 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang được thực hiện.
“Đói vốn” phát triển công nghiệp
Nhiều ý kiến đánh giá, việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng ở các CCN tại các địa phương còn chậm, hình thức đầu tư chủ yếu là vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất. Nguyên nhân chậm tiến độ do nguồn vốn đầu tư hạ tầng CCN lớn, chủ yếu là từ vốn ngân sách. Trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương của các tỉnh trong vùng còn nhiều hạn chế, cùng với đầu tư nhỏ giọt; việc huy động vốn từ DN đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN gặp nhiều khó khăn.
Tính đến nay, toàn vùng có 75 CCN, với tổng diện tích 2.420 ha đã đi vào hoạt động, đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 500 dự án, giải quyết việc làm cho gần 32.000 lao động. Tuy nhiên, các dự án đang được triển khai thực hiện với tốc độ vẫn còn chậm, các DN chủ yếu duy trì ổn định bằng năng lực sản xuất hiện có.
Về hoạt động thương mại tuy đã đã được các cấp hỗ trợ, nhưng còn nhiều hạn chế, bởi nguồn ngân sách nhà nước còn thấp, nên chưa đảm bảo nhu cầu cho các địa phương, thậm chí có xu thế giảm dần. Đơn cử từ năm 2006 đến 2010, trung bình hàng năm vốn Nhà nước hỗ trợ 14 tỉnh là 103,2 tỷ đồng, nhưng với tốc độ phát triển và giá cả tăng cao, nhưng năm 2013 nguồn vốn ngân sách chỉ được khoảng 101 tỷ đồng, nếu tính trung bình theo giá trị thời gian thì nguồn vốn ngân sách giành cho hoạt động thương mại ngày càng giảm dần rõ rệt.
Hầu hết các ý kiến có chung kiến nghị với Bộ Công Thương và các bộ, ngành quan tâm, đồng thời cần chỉnh sửa chính sách trợ cước, trợ giá gắn với hỗ trợ để phát triển sản xuất, nhằm khuyến khích sản xuất phát triển giữa các địa phương phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, Nhà nước cần dành nguồn vốn của ngân sách Trung ương cấp cho các tỉnh, nhằm bình ổn gá thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ cần bổ sung quy định về chế độ báo cáo của các DN bán hàng đa cấp cho các Sở Công Thương- nơi DN đang hoạt động phải báo cáo định kỳ 6 tháng một lần, bởi mặt hàng này nhạy cảm, cùng với cần tăng chế tài xử lý đối với DN không đăng ký vào báo cáo cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai- cho biết, hoạt động công nghiệp thương mại 6 tháng đầu năm của Lào Cai tăng gần 5.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác mỏ bắt đầu tăng trở lại, tăng khoảng 20%, do Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng Apatit, đặc biệt là nguồn thu từ điện đã tăng mạnh do một số nhà máy điện đi vào hoạt động, cùng với hoạt động thương mại đã phục hồi nên đã có được con số kỳ vọng.
Cũng theo ông Dương, hiện nay Nhà máy sản xuất thép Việt Trung trên đia bàn tỉnh Lào Cai dự kiến tháng 9 này đi vào hoạt động, khi đó sẽ cần khoảng cần 40.000 tấn quặng/năm, nhưng Lào Cai chỉ đáp ứng khoảng 60%, 40% còn lại phụ thuộc vào Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn- nơi có tiềm năng lợi thế về quặng. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo mạnh mẽ không cho xuất khẩu, nếu tiếp tục cho xuất khẩu thì khi một loạt các nhà máy đang xây dựng mà đi vào hoạt động thì sẽ thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu.
Hiện nay điện phục vụ cho các tỉnh trong vùng còn thiếu, còn yếu, do đó, các sở đều có chung kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực xem xét về nguồn điện phục vụ cho ổn định sản xuất; đưa điện về miền núi, vùng xa xôi, từ đó để phát triển sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, Lào Cai là tỉnh có tiềm năng về thủy điện, du lịch, sản xuất hàng hóa nông lâm sản mà hiện nay còn 140 thôn chưa có điện.
Đổi mới phương thức hoạt động của hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã đánh giá cao những kết quả mà Cục CNĐP và các Sở Công Thương làm được trong thời gian qua. Theo Thứ trưởng, thời gian tới, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) cần đổi mới phương thức hoạt động của Hội nghị Công thương 14 tỉnh, vì sau 15 năm tổ chức dần đi vào lối mòn, không còn hấp dẫn và chưa đem lại lợi ích thực tiễn cho các tỉnh. Do đó, Cục CNĐP cần nghiên cứu, đổi mới về phương pháp chuẩn bị, ngoài việc tổng hợp báo cáo chung về tình hình thì Cục CNĐP còn có báo cáo riêng, hướng dẫn sở công thương các tỉnh thực hiện; đưa ra giải pháp cụ thể có hiệu quả hơn.
Theo đó, riêng các tỉnh miền núi có lợi thế về khoáng sản, hàng nông sản nên cần có cơ chế đặc thù để tạo đà cho việc phát triển.
Thứ trưởng cũng đề nghị, Cục CNĐP phát huy vai trò làm cầu nối giữa Trung ương và địa phương, cần phải tổng hợp các ý kiến, kiến nghị từ các sở, đồng thời, Cục chủ động phối hợp với Bộ để cùng giải quyết một cách cụ thể các kiến nghị từ các sở để có kết quả tốt hơn cho thực tiễn, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.