Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp (DN) CNHT, trong đó 300 DN tham gia chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Đây là con số không nhỏ, nhưng tại sao không thể thúc đẩy ngành CNHT phát triển, thưa bà?
Con số 1.800 DN có vẻ lớn, nhưng nếu so với các nước ở trong khu vực thì rất nhỏ. Đơn cử như ở Hàn Quốc, ngành ôtô đã có trên 3.000 DN CNHT, Ấn Độ trên 5.000 DN và Trung Quốc có tới 12.000 DN.
Khoảng 300 DNCNHT Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho các công ty đa quốc gia |
Điều quan trọng, phát triển CNHT tại Việt Nam thời điểm này có 3 vấn đề cần lưu ý, đó là: Quy mô thị trường, năng lực DN và các tác động từ chính sách.
Thị trường ở đây là các DN phải biết tận dụng tốt các cơ hội để phát triển, cụ thể đối với các ngành nghề đang có lợi thế phát triển sản phẩm CNHT như xe máy, điện thoại…
Về năng lực, hiện DN Việt Nam mới đủ năng lực tham gia vào một số sản phẩm đơn giản như công nghiệp xe máy, còn ngành ôtô vẫn chưa phát triển được.
Về chính sách, thực thi chính sách phát triển CNHT vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo lẫn nhau.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy CNHT phát triển. Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà đánh giá như thế nào về độ “phủ sóng” của các chính sách này?
Hiện tại, ở cấp trung ương, các chính sách đưa ra khá đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu của DN, nhưng để nhận thức được tầm quan trọng của CNHT thì chưa có sự vào cuộc của các bên liên quan.
Tôi nhận thấy, năng lực thực thi chính sách rất đầy đủ, nhưng chính sách lại chồng chéo, dẫn đến triển khai rất khó. Vì vậy, nhiều khi DN không mặn mà với chính sách, bởi chi phí để họ tiếp cận chính sách còn nhiều hơn cả lợi ích được hưởng. Với Nghị định số 111/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT, ở góc độ tư pháp đã mở rộng chính sách hỗ trợ DN. Ngoài ra, các hoạt động kết nối, cải tiến đã được phát triển mạnh trong 2 năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng.
Theo tôi, vấn đề đầu tiên chúng ta cần hướng tới là đảm bảo chính sách minh bạch, đơn giản, dễ áp dụng cho DN, vì DN phải tính toán dựa trên lợi ích mà họ nhận được. Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách về CNHT còn hạn chế. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chính như ôtô, cơ khí, điện tử, dệt may… vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ hai, các quy định đưa ra phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện tại các ưu đãi của Bộ Công Thương xác nhận rồi đưa xuống địa phương không chấp nhận, bởi ưu đãi thì được quy định trong Luật, nhưng khi triển khai, nhiều địa phương không đồng ý để các DN tiếp nhận các ưu đãi.
Thứ ba, khung giám sát để đánh giá hiệu quả, lúc đó mới giải thích được cho DN và để họ tin tưởng sử dụng các chính sách mà Chính phủ đưa ra.
Theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016- 2025, đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa. Với mục tiêu này, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì, thưa bà?
Thực ra, con số này chỉ là định hướng để Việt Nam hướng đến chứ không phải là gây áp lực cho bất cứ một cơ quan thực thi chính sách hay đối tượng DN. Mục tiêu muốn triển khai được phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thực hiện chính sách. Năm ngoái, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về phát triển CNHT và sau đó đề nghị Bộ Công Thương xây dựng Nghị quyết để ban hành chính sách phát triển CNHT và Nghị quyết này đã được trình lên Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
Với Quyết định 68, hiện Cục Công nghiệp đang triển khai sang năm thứ 3. Sau 2 năm thực hiện, số lượng DN đăng ký tham gia mỗi năm đều tăng.
Bộ Công Thương cũng xây dựng các chương trình hợp tác với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự án quy mô lớn, tạo sự lan tỏa. Cụ thể, Chương trình Đào tạo tư vấn viên Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Samsung 3 năm qua đã được triển khai tích cực. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng hơn 300 tư vấn viên đào tạo bài bản ở Hàn Quốc và các cơ sở của Samsung, có thể đáp ứng những chuẩn mực trở thành nhà cung ứng cho chuỗi sản phẩm của Samsung.
Xin cảm ơn bà!