Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy phát triển CNHT, điển hình như Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển CNHT từ năm 2016 – 2025… Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá các kết quả đạt được trong việc thực thi chính sách hiện hành về phát triển CNHT?
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ luôn được doanh nghiệp quan tâm |
2015 là một năm có ý nghĩa quan trọng, cơ bản tạo nền tảng, trước hết về mặt pháp lý để triển khai phát triển ngành CNHT. Cụ thể, Nghị định 111/2015/NĐ-CP ban hành năm 2015 đã đạt được những kết quả nhất định. Chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với CNHT ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước. Chúng ta có thêm bước tiến mới khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 với trọng tâm tập trung các nguồn lực của nhà nước và cơ chế ưu đãi để cụ thể hóa ưu tiên phát triển CNHT như: CNHT dệt may, da giày, ôtô, cơ khí... Có thể nói, với Quyết định 68 cùng những Thông tư, Nghị định hướng dẫn đã tạo điều kiện thúc đẩy CNHT tại Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai một số chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNHT, ví dụ như các dự án hợp tác với Tập đoàn Samsung trong Chương trình Phát triển nhà cung cấp, Chương trình Đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam; hợp tác với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đào tạo cán bộ xây dựng chính sách và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNHT; hợp tác với Nhật Bản về CNHT trong khuôn khổ chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản; hợp tác với IFC (World Bank) triển khai thực hiện Chương trình Thí điểm phát triển nhà cung cấp của Việt Nam…Việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp CNHT của Chính phủ Việt Nam đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nội địa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp CNHT Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của doanh nghiệp FDI/tập đoàn đa quốc gia. Vậy giải pháp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam là gì, thưa Bộ trưởng?
Có thể nhìn nhận doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam phần lớn là một tổng thể của chuỗi cung ứng ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Mục tiêu của họ hướng tới là khai thác những điều kiện thuận lợi ở môi trường đầu tư Việt Nam, kể cả cơ chế, ưu đãi về thuế, giá thành nguồn lao động, trình độ công nghệ... Vì vậy, khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đã hình thành 2 khu vực kinh tế trong một nền kinh tế tách biệt và thiếu sự gắn kết phát triển, không tạo sự lan tỏa. Đó là khu vực kinh tế FDI và khu vực kinh tế nội địa. Với đặc thù này, doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất khó tiếp cận.
Cũng phải nhìn nhận thực tế khách quan hiện nay, trình độ của doanh nghiệp CNHT trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong nước và thế giới. Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay siêu nhỏ, trình độ hạn chế về nhiều mặt. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của nhà nước. Đứng trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã có sự chủ động trong việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, đặc biệt tạo sự gắn kết với doanh nghiệp FDI.
Bộ Công Thương xây dựng các chương trình để hợp tác với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án quy mô lớn, tạo sự lan tỏa. Cụ thể, Chương trình đào tạo tư vấn viên Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Samsung 3 năm qua đã được triển khai tích cực. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng hơn 300 tư vấn viên đào tạo bài bản ở Hàn Quốc và các cơ sở của Samsung có thể đáp ứng được những chuẩn mực trở thành nhà cung ứng cho chuỗi sản phẩm của Samsung.
Bên cạnh đó, nhà nước cần có chủ trương nhất quán trong dài hạn, phân bổ nguồn lực đủ lớn hỗ trợ doanh nghiệp CNHT đạt trình độ khu vực và quốc tế để tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Đây là giải pháp căn cơ để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn, củng cố nội lực, tự cường của đất nước.
Hiện nay, CNHT được xác định là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng, cần phải có những điều kiện cần và đủ nào để ngành CNHT phát triển mạnh và bền vững tại Việt Nam?
Theo tôi, cần phải có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ôtô, điện - điện tử, dệt may, da - giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ khi Việt Nam hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do, cần xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp doanh nghiệp CNHT sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung xây dựng chính sách đột phá, tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!