Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ e-logistics |
Thị trường tiềm năng
Lazada là doanh nghiệp (DN) TMĐT đầu tiên có công ty phân phối riêng - LEX. Tuy nhiên, khi nhận ra nhu cầu ngày càng tăng về TMĐT trên thế giới và Việt Nam, Lazada quyết định tách LEX thành một công ty riêng biệt. Bên cạnh đó, đầu năm 2017, Lazada đầu tư vào 3 kho lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội với tổng diện tích 22.000 m2 và mạng lưới 34 trung tâm phân phối trên toàn quốc; xây dựng chuỗi khép kín cho dịch vụ e-logistics nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Theo DN này, việc chủ động thành lập công ty độc quyền cung cấp dịch vụ e-logistics sẽ giúp DN chủ động nguồn lực và chất lượng dịch vụ, từ đó, cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất.
Sự bùng nổ nhu cầu mua sắm trên mạng và giao nhận tại nhà ở Việt Nam trong những năm gần đây là cơ hội lớn cho các DN cung cấp dịch vụ e-logistcs phát triển. Đối với DN có doanh số lớn, việc xây dựng dịch vụ logistics của riêng công ty là một lựa chọn hiệu quả. Năm 2017, cả nước đã có hơn 50 DN tham gia cung cấp dịch vụ e-logistics. Cùng với Lazada, người tiêu dùng đã dần quen với các thương hiệu trong lĩnh vực e-logistics như: Giao hàng nhanh, Grab Express, Speedlink…
Ngoài giao hàng chặng cuối, các DN e-logistics còn đang thành lập các điểm gửi hàng, giúp người mua và người bán nhận hoặc gửi hàng gần nhà tại bất cứ thời điểm nào. Đơn cử, Công ty Giao hàng nhanh đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ nâng số điểm gửi hàng lên con số 1.500 điểm trên toàn quốc, giúp người mua và người bán có thể dễ dàng có một điểm gửi hàng gần nhà, phục vụ nhu cầu giao, nhận hàng hóa.
Tuy nhiên, không nhiều DN TMĐT ở Việt Nam có khả năng đầu tư vào dịch vụ hậu cần riêng, bởi bên cạnh việc phát triển đội ngũ giao hàng, áp lực kho bãi là rất lớn. Theo đó, DN phải có điểm tập kết với diện tích khá lớn để nhập, kiểm tra và xuất hàng. Chưa kể, với chủng loại mặt hàng lên đến hàng trăm nghìn, việc phân loại, lưu trữ, bảo quản theo điều kiện yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm khác nhau cũng là thách thức lớn.
Cơ hội lớn
Cơ hội để DN cung cấp dịch vụ e-logistics phát triển còn khá lớn bởi 2 quyết định của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nghề này đã và sắp có hiệu lực.
Cụ thể, Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Chính phủ về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN dịch vụ logistics ở Việt Nam đến năm 2025 đã và đang có những bước đi tích cực, tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN logistics Việt Nam phát triển. Với những hỗ trợ về công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, giảm chi phí cho DN… Quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp DN logistics Việt Nam nói chung và e-logistics nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 163/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/2/2018, được kỳ vọng tạo điều kiện cho DN nước ngoài tham gia phát triển e-logistics tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định chỉ rõ, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định, DN nước ngoài có thể thành lập DN hoặc góp vốn để tham gia vào các lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa); dịch vụ xếp dỡ container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ…
Thị trường e-logistics ước tính sẽ đạt 200 triệu USD vào năm 2020, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của đất nước. |