Phát triển hạ tầng cho thương mại điện tử
Thương mại điện tử phát triển nhanh
Theo Báo cáo thường niên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu bán lẻ TMĐT Việt Nam năm 2017 khoảng 6,2 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 24% so với năm 2016. Số liệu này sẽ tương ứng với xấp xỉ gần 500.000 đơn hàng một ngày. Dự kiến doanh thu của TMĐT sẽ vượt mốc 10 tỷ đôla Mỹ vào năm 2020.
Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Còn đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Hiện nay, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch TMĐT hoặc qua mạng xã hội. Sàn giao dịch TMĐT phổ biến hiện nay có thể kể đến như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Adayroi.com, Lotte.vn... hoặc mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam cũng có xu hướng mua hàng qua chương trình quảng cáo trên tivi hoặc tiến hành giao dịch qua điện thoại.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, bên cạnh tiềm năng của thị trường, dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng tin nhắn SMS hiển thị thương hiệu còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động TMĐT. Với các ưu điểm về độ phủ sóng, không hạn chế thiết bị, khả năng đảm bảo liên lạc, tính chính thống, hiện nay giải pháp thông báo, xác nhận thông tin bằng SMS vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với các thị trường TMĐT đang phát triển như tại Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Bích Thủy - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần truyền thông VMG cho rằng, tiềm năng của thị trường TMĐT của Việt Nam là rất lớn. Nổi bật là nhu cầu về Internet của Việt Nam như 3G rất thuận tiện, kết hợp với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh (Smart phone) hiện nay cũng từ 50-60% đã tạo ra nhiều cơ hội đối với phát triển TMĐT.
Hướng tới giải pháp tối ưu
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chi phí cao, giải pháp chưa tối ưu nên hiện nay tỷ lệ các đơn hàng cung cấp đầy đủ thông tin xác thực trong suốt quá trình xử lý đơn hàng còn thấp. Do đó, cần có giải pháp cụ thể trong việc hoàn thiện hạ tầng SMS, dịch vụ viễn thông dành cho TMĐT.
Đối với hoạt động quản lý nhà nước, hiện nay chưa có một công cụ hiệu quả nào giúp Bộ Công Thương quản lý, thống kê được giao dịch trên thị trường một cách hiệu quả. Dịch vụ tin nhắn SMS hiển thị thương hiệu nếu được sử dụng phổ biến, có thể trở thành một giải pháp thống kê hiệu quả giúp cơ quan chủ quản nắm bắt được tình hình phát triển của thị trường TMĐT. “Việc sử dụng tin nhắn để giải quyết các đơn hàng TMĐT vẫn là lựa chọn tối ưu, điều này cũng nhằm thể hiện sự tin cậy và đảm bảo sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp”, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đã chia sẻ về các giải pháp phát triển hạ tầng SMS như kế hoạch phát triển các giải pháp SMS tối ưu dành cho TMĐT của nhà mạng đơn vị Viettel Telecom; Quy trình hợp tác dịch vụ SMS Order của Công ty Truyền thông VMG…
Dịch vụ SMS Order cũng giúp đơn vị quản lý nhà nước có căn cứ hỗ trợ người mua hàng và doanh nghiệp TMĐT tốt hơn |
Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, vai trò của Bộ Công Thương là định hướng, nên cần có những hành động cụ thể để TMĐT phát triển. “Công ty hoàn toàn ủng hộ và cam kết phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra các giải pháp, biện pháp hỗ trợ thích hợp nhất. Tuy nhiên, sự khác biệt, thiếu thông tin khi mua bán hàng SMS sẽ giải quyết được khâu thông tin minh bạch, tạo niềm tin giữa người mua và bán. Đây là điểm mấu chốt để phát triển TMĐT Việt Nam”, ông Phạm Trung Kiên nhấn mạnh.
Thống kê trong năm 2017 cho thấy, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý gần 9.670 hồ sơ thông báo website TMĐT và 625 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT. Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, năm 2017, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 1.800 lượt phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT.
Hiện các nhà mạng và doanh nghiệp viễn thông bao gồm Viettel Telecom, Vinaphone, Mobifone, Công ty CP Truyền thông VMG là các đối tác triển khai chương trình EcomSMS đặt mục tiêu triển khai ngay trong năm 2018 đến tất cả các tỉnh thành và doanh nghiệp có nhu cầu trên toàn quốc với cam kết đảm bảo về chất lượng hạ tầng và dịch vụ thông suốt.