Ông Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội bảo vệ Tài nguyên và Môi trường biển, cho rằng ngành hàng hải - vận tải biển - được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú đấm thép" cho kinh tế biển đã gây thất vọng lớn với Vinashin, Vinalines.
CôngThương - Ông Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, Trung tâm nghiên cứu biển và hải đảo, Đại học quốc gia Hà Nội, nói: “Nhìn lại chiến lược biển không thấy gì để vui”. Thật vậy, ngành hàng hải - vận tải biển - được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú đấm thép” cho kinh tế biển đã gây thất vọng lớn khi Vinashin cùng Vinalines “gục ngã”.
Thông tin từ ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế - khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng không vui. Theo ông, 15 khu kinh tế ven biển đã được thành lập đến nay vẫn hoạt động èo uột, không hiệu quả - phát triển quá nhanh về số lượng, thiếu chất lượng đến mức Bộ đang phải thực hiện đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ 2013.
Theo nhiều chuyên gia, muốn phát triển kinh tế biển phải dựa vào tài nguyên biển, muốn khai thác tài nguyên biển phải hiểu biết về tài nguyên biển, tức phải phát triển khoa học nghiên cứu về biển nhưng điều này Việt Nam đang rất yếu.
“Khoa học đại dương chưa được đầu tư đúng tầm nên chưa thể phục vụ tốt cho các ngành kinh tế biển”, ông Hồi nói.
Ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa nhận thực tế hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đang rất kém mà đất nước đang trong giai đoạn phải thắt chặt đầu tư công, trong khi đó khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chưa được là bao do chính sách.
Hơn nữa là thực tế đang tồn tại những mâu thuẫn trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế biển. Ông Hồi bức xúc: “Mùa tuyển sinh đại học năm nay không có thí sinh đăng ký các ngành liên quan đến biển… trong khi nghề cá của chúng ta hiện nay hoạt động quá thủ công - thuyền thúng. Thực tế, Đại học Thuỷ sản Nha Trang đã bị xoá tên, Đại học Hàng hải lại chủ yếu dạy kế toán…. Một bức tranh khá ảm đạm về đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển".
Có chuyên gia còn cho rằng Việt Nam thiếu các tập đoàn khai thác biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả. Đó là chưa kể đến bất cập trong chính sách quản lý biển khi việc quản lý có sự chồng chéo - có đến 15 bộ ngành cùng tham gia quản lý.
Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, cho rằng để kinh tế biển phát triển cần thúc đẩy việc cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế đang nắm những ngành then chốt phát triển kinh tế biển, đồng thời phải đẩy mạnh việc di dân ra các đảo cùng sự hiện diện đông và thường xuyên của ngư dân trên biển.
“Di dân ra đảo phải là những người có trình độ, kỹ thuật, tiềm lực khai thác biển và yêu biển thì mới phát huy hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, quy hoạch phát triển kinh tế biển không phù hợp đã dẫn đến phát triển kinh tế biển không hiệu quả; chẳng hạn như việc quy hoạch hệ thống cảng biển quá bất cập, tỉnh thành nào cũng muốn có cảng, xây cảng (có những cảng cách nhau chỉ và cây số) trong khi nhu cầu thực tế thì lại khác. “Vì vậy phải có các chuẩn mực, chiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch phát triển”, ông Tuấn nói.
Một số chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực quá yếu kém (ngay ở Tổng cục Biển và Hải đảo người giỏi rất ít) là vấn đề cần phải khắc phục ngay vì việc thành công hay thất bại trong việc phát triển kinh tế biển suy cho cùng cũng do nguồn nhân lực. Việc cần phải làm là đưa ngay chương trình đào tạo về kinh tế biển vào các trường đại học.
Nhưng quan trọng hơn là phải xác định ngay trách nhiệm về chiến lược phát triển kinh tế biển, vì hiện nay vấn đề này nói thì nghe rất có trách nhiệm nhưng thực tế những gì diễn ra nếu xem xét các hành vi thì không phải vậy.
Cần đẩy mạnh sự hiện diện của người dân trên biển đảo Trong số 2.713 đảo ven bờ (nếu tính cả hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì con số là gần 3.000 đảo), hiện có 66 đảo thuộc 12 huyện đảo có dân; tổng số dân trên các đảo là 16.000 người; mật độ dân số là 95 người/1km2/66 đảo có người; đó là chưa kế hiện có 10.000 tàu hoạt động trên khắp các vùng biển mỗi ngày. Nếu tính bình quân mỗi tàu có 8 người thì số người dân hiện diện trên biển thêm 80.000 người nữa. |