Sản phẩm truyền thống làng nghề cần được liên kết để phát triển, xuất khẩu đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho lao động.
CôngThương - Theo Sở Công Thương Hà Nam: Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh Hà Nam mới chỉ đạt 11,090 triệu USD và 4 tháng đầu năm 2013 đạt 6,065 triệu USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng khác như, dệt may đạt 117,7 triệu USD, dây điện và cáp điện đạt 156,4USD…
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có khoảng 163 làng nghề và làng có nghề, với rất nhiều các doanh nghiệp (DN), cơ sở, tổ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ khác nhau... Nhờ đó, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao thì ở những địa phương có các làng nghề thủ công mỹ nghệ và các DN sản xuất mặt hàng này đã góp phần tạo việc làm cho người lao động đáng kể. Thu nhập bình quân của người lao động từ 2.500.000 đến 3.000.000 đồng/tháng.
Hàng thủ công mỹ nghệ cũng là nền tảng và là chiến lược thúc đẩy sự gia tăng phát triển nên được Hà Nam đặc biệt quan tâm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 11 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp, còn lại các DN sản xuất xuất khẩu bằng hình thức ủy thác và ký hợp đồng với các DN sản xuất lớn trong nước.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU, Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới nên các hợp đồng ở các thị trường này đã bị hạn chế và không có nhiều, một số DN đã chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông...
Đề cập đến nguyên nhân hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nam còn thấp, theo Sở Công Thương: Thứ nhất, do khó khăn trong sản xuất, tổ chức sản xuất, nguồn hàng…, các DN và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ không đáp ứng được các đơn hàng lớn, chỉ có một số DN làm hàng mây tre xuất khẩu là có đủ khả năng như: Công ty mây tre xuất khẩu Ngọc Động, Công ty TNHH SX mây tre xuất khẩu Vang Lừng, Công ty sản xuất gia công hàng xuất khẩu Đức Kiên...
Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh Hà Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực, vốn sản xuất vẫn ít... nên rất khó trong việc tự tạo mẫu mã sản phẩm mới, nên chưa có sức thu hút khách hàng nước ngoài vào để sản xuất hàng loạt, các DN vẫn phải chạy theo các đơn đặt hàng của các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn một số bạn hàng và thị trường truyền thống ở nước ngoài đã không ký kết hợp đồng mới với giá trị kinh tế cao, do đó DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh bị hạn chế và có thị trường bị mất nên phải chuyển sang tìm kiếm các thị trường mới.
Hiện nay, một số DN đã quan tâm đến khâu quảng cáo và giới thiệu sản phẩm của DN mình, đồng thời xây dựng trang website, in catalog… để đưa các sản phẩm của mình giới thiệu ra thị trường nước ngoài và gửi các mẫu hàng thông qua các hội chợ trong nước và ngoài nước do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam, các hiệp hội DN nhỏ và vừa của tỉnh giới thiệu…
Thông qua hội chợ ở nước ngoài, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh cũng được nhiều DN nước ngoài quan tâm. Song, do DN không đủ sức để đứng ra thực hiện các hợp đồng lớn nên vẫn có ít hợp đồng được ký kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài.
Để phát triển mang tính bền vững, trong thời gian tới, DN cần mạnh dạn thay đổi việc tìm bước đi và có những bước đột phá mới như: chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động có tay nghề và trình độ cao, đặc biệt là nhân viên làm công tác thị trường xuất khẩu để thu hút nhân tài.
Cùng với đi sâu vào phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng và chất lượng cao, mở rộng thị trường xuất khẩu…, đồng thời chú trọng phát triển và mở rộng sức tiêu thụ thị trường nội địa.
Thứ ba: Tuy nhiên, hiện nay các DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh chưa có sự phối kết hợp trong sản xuất, hầu hết DN “mạnh ai ấy làm” chưa thực sự chú trọng đến việc liên kết với nhau để thực hiện khi có hợp đồng lớn. Chính vì vậy, việc cùng nhau liên kết trong sản xuất cũng là một giải pháp mà DN có thể lựa chọn để tự đứng ra sản xuất và xuất khẩu trực tiếp mà không cần thông qua một DN khác.
Thứ 4, vai trò của người làm công tác quản lý, điều hành của DN cũng rất quan trọng, ở một số DN lớn, nhiều chủ DN đã mạnh dạn thuê người quản lý có trình độ và kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đa số mới chỉ là các DN vừa và nhỏ, nên chưa dám mạnh dạn thuê người quản lý có trình độ chuyên môn có kinh nghiệm trong sản xuất để điều hành.
Đứng trước thực trạng và xác định rõ nguyên nhân khiến hàng thủ công mỹ nghệ chưa giữ được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trong thời gian qua các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những việc làm thiết thực, tạo hướng đi mới, tìm giải pháp để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Các DN và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được các cơ quan nhà nước quan tâm và tạo điều kiện phát triển, trong đó có chương trình hỗ trợ của Trung tâm khuyến công và XTTM thuộc Sở Công Thương Hà Nam.
Do đó, trong năm 2012 đã hỗ trợ 630 triệu đồng thuộc quỹ khuyến công quốc gia và 762 triệu đồng thuộc quỹ khuyến công địa phương, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật như mô hình đục gỗ mỹ nghệ điều khiển bằng máy vi tính; mô hình sản xuất khung ảnh nhựa trên dây chuyền công nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn tổ chức nhiều hội thảo nâng cao chất lượng phát triển bền vững của làng nghề trên địa bàn tỉnh, và một số hỗ trợ khác như, hỗ trợ các DN tham gia hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh, nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm…
Đặc biệt, hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam đã lấy các mẫu hàng từ các DN thêu ren, thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh của các Công ty như: Công ty Xuân Hùng, An Phương, Đức Kiên, Ngọc Động… hoặc mời DN tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm đến DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu, qua đó đã phát huy tác dụng đáng kể việc tìm kiếm thị trường cho DN trên địa bàn tỉnh phát triển.