Cam Vinh - sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Nghệ An |
Ông Phan Nguyên Hùng- Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết: “Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp quan trọng hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Nghệ An, đặc biệt là trong phát triển một số sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế của tỉnh. Chúng tôi đã tập trung ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học nhằm tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: lúa, ngô, lạc L14, L23, đậu tương, vừng, chè LDP1,2; mía VN84-41-37, cam V2, quýt PQ… Nhờ đó ở Nghệ An đã xuất hiện những mô hình cho năng suất cao như: Chè từ 130 - 150 tấn/ha, mía từ 120 - 150 tấn/ha, lạc từ 4,5 - 5 tấn/ha… và tạo bước chuyển quan trọng, là “cú hích” nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp”.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ enzim… vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất các sản phẩm chức năng từ tảo xoắn, Nattokinase. Đồng thời các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như kỹ thuật tưới, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… cũng được áp dụng vào trong sản xuất.
Những mô hình trên được xem là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông dân, các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng cao trong thời gian tới, góp phần đưa ngành nông nghiệp Nghệ An từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao. |
Cũng theo ông Hùng, hiện tại nhiều mô hình, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh phê duyệt đến nay đã cho kết quả tốt. Điển hình như dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp của Công ty CP sữa TH tại huyện Nghĩa Đàn, hiện tổng đàn bò bê sữa đã lên đến 40.208 con; dự án chăn nuôi bò sữa tại thị xã Thái Hòa của Công ty CP Vinamilk hiện đạt 2.650 con; dự án trồng và chế biến chuối theo công nghệ nuôi cấy mô do công ty Hàn Quốc làm chủ đầu tư hiện trồng được 55 ha tại xã Viên Thành- Yên Thành và xuất khẩu được hơn 250 tấn chuối tươi sang Hàn Quốc…
Ngoài ra, một số loại cây trồng khác cũng từng bước ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất giống chanh leo ở Quế Phong theo công nghệ của Đài Loan, nhiều mô hình sản xuất mía, chè, hay các giống lúa tiến bộ như lúa thảo dược của Công ty TNHH Vĩnh Hòa, VTNA2 của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Hoặc mô hình sản xuất lạc chất lượng cao tại Diễn Châu, Nghi Lộc... được ứng dụng biện pháp thâm canh tổng hợp với giống mới, phủ ni-lon, cho năng suất lên tới 5 tấn/ha, trong khi năng suất lạc bình thường chỉ đạt bình quân 2,4 tấn/ha...