Bài 1: Trồng dược liệu quý giúp đồng bào phát triển kinh tế Quảng Nam: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP |
Sản phẩm đạt chất lượng cao
Qua 5 năm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), đến nay huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có 22 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 - 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao.
Các sản phẩm đạt chất lượng OCOP đều gắn với sản phẩm dược liệu đang được người dân phát triển trên địa bàn huyện như: cao sâm nam, chè dây, giảo cổ lam, tinh dầu quế, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ sâm Ngọc Linh.
Bà Hồ Thị Mười – Chủ cơ sở Mười Cường (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cho biết, đơn vị bà đã đầu tư 2 sản phẩm trà túi lọc giảo cổ lam và chè dây, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm tiện lợi, nhỏ gọn có thể mang theo khi đi du lịch để bồi bổ nên rất tiện dụng với du khách. “Ngoài ra, hiện chúng tôi còn chú trọng thêm các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh như sâm mật ong, tương lai có thể có thêm trà lá sâm”, bà Mười chia sẻ.
Các sản phẩm OCOP gắn với dược liệu đạt chất lượng tốt |
Ông Võ Hồng Siêu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My thông tin, tổng thể sản phẩm trên địa bàn huyện tham gia chương trình OCOP từ năm 2021 - 2022 cơ bản đảm bảo các tiêu chí theo đúng quy định của nhà nước, mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt và đáp ứng được nhiều đối tượng người tiêu dùng. Đã có một số cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất, như HACCP, tiêu chuẩn cơ sở. “Sản phẩm OCOP của Nam Trà My gắn với thế mạnh về trồng dược liệu mà huyện đã định hướng trong nhân dân, nên nguồn nguyên liệu đảm bảo. Các chủ thể sản phẩm OCOP chịu khó tiếp cận thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm trong toàn quốc”, ông Siêu cho hay.
Hiện huyện Nam Trà My đã đưa vào vận hành nhà máy chế biến nông sản và dược liệu quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn huyện, sản xuất các loại rượu Đẳng Hồng Sâm, sản xuất măng nứa sấy khô, sâm Ngọc Linh ngâm mật và một số sản phẩm khác… Thời gian tới, tại đây sẽ sơ chế, tinh chế, chiết xuất các loại nông sản, dược liệu để theo tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), tạo ra các dòng sản phẩm từ cao dược liệu, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng…
Nâng chuẩn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo UBND huyện Nam Trà My, tổng kinh phí đầu tư để thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2022 của địa phương hơn 2,2 tỷ đồng. Nam Trà My đã phối hợp lồng ghép các nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ thể OCOP trên địa bàn huyện.
Từ sự hỗ trợ này, các chủ thể OCOP trên địa bàn có thể quảng bá hình ảnh, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Trong năm qua, huyện Nam Trà My trồng được 74,9ha cây dược liệu (gồm đẳng sâm, lan kim tuyến, giảo cổ lam, đương quy) và sâm Ngọc Linh; trồng mới 1.438ha rừng, gồm các loại cây như quế, dỗi, xoan ta, sao đen…
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Ngọc Mẫn cho biết, để ngành sản xuất, chế biến dược liệu phát triển đúng hướng, xứng tầm, thời gian qua huyện đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào nghiên cứu, đầu tư phát triển sản xuất và hỗ trợ địa phương về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Ngoài ra, huyện đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đăng ký bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh...
Quầy trưng bày OCOP Nam Trà My tại phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng |
Hiện, huyện Nam Trà My vẫn chưa có trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP tại địa phương, mà chỉ mới có gian trưng bày kết hợp trong phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng, thời gian mở cửa 3 ngày nên chưa tạo thuận tiện trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thường xuyên. Vì vậy, huyện hỗ trợ các chủ thể OCOP tăng cường kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm tạo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định thị trường phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt.
“Thời gian tới, huyện sẽ tập trung hơn vào nâng cấp, nâng chuẩn các sản phẩm đã được công nhận để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn các xã xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chương trình OCOP như sâm Ngọc Linh, dược liệu khác, quế... gắn với xây dựng mã số vùng trồng. Thực hiện hiệu quả công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, khuyến khích các chủ thể ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hướng tới sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu”, ông Mẫn nói.