Nhiều đại biểu Bộ, ngành các tỉnh biên giới tham dự hội nghị |
Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo; các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương cùng các hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: "Những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã dành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo. Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa xôi, giao thông khó khăn, cách trở… nên đến nay, hoạt động thương mại ở các khu vực này vẫn có sự chênh lệch rõ rệt so với các tỉnh đồng bằng và miền xuôi".
Báo cáo của Vụ Thương mại Biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho thấy: Năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm 11%. Mặc dù vậy, số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang cả 3 tuyến biên giới này đều giảm so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 12,1%; sang Lào giảm 9% và sang Campuchia giảm 4,8%...
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chỉ đạo hội nghị |
Ông Hoàng Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và miền núi - đánh giá: Mặc dù quá trình triển khai công tác thương mại miền núi gặp không ít khó khăn về giao thông, điều kiện kinh tế - xã hội, những bất cập của cơ chế chính sách; vậy nhưng, tính đến tháng 12/2015 đã cải tạo, xây mới được 6.596 chợ tại địa bàn nông thôn (trong đó có địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số) - chiếm 76,98% tổng số chợ của cả nước. Cùng với đó, 135 đề án xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đã được thực hiện... góp phần thúc đẩy thương mại, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.
Đến từ các địa phương còn nhiều khó khăn, đồng thời cũng là các địa phương đang được thụ hưởng nhiều ưu đãi từ những chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo..., đại biểu các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Kon Tum, Tây Ninh đều cho rằng: Hoạt động thương mại biên giới đã, đang và sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng trên những địa bàn trọng yếu của đất nước. Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách hiện có, rất cần những chính sách đặc thù cho các tỉnh biên giới, hải đảo có điều kiện đặc thù, có vị trí chiến lược đặc biệt... "Hiện nay, các địa phương chỉ được phép giữ lại 50% nguồn thu từ khu kinh tế cửa khẩu, khiến việc nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cho phép giữ nguyên số tiền thu từ khu kinh tế cửa khẩu để đầu tư trở lại. Có như vậy thì những tỉnh biên giới nghèo mới có điều kiện để phát triển, giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương” - ông Võ Văn Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum - đề xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội nghị |
Lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ phía các Bộ, ban, ngành và đại diện các tỉnh tham dự hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định thương mại biên giới là hoạt động quan trọng về giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao với các nước láng giềng và các nước trong khu vực. Riêng trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 về Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo giai đoạn 2015-2020 và Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Hai quyết định này đều hướng tới mục tiêu phát huy vai trò của thương mại đối với sản xuất và đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Chợ biên giới - nơi trao đổi hàng hóa chủ yếu của đồng bào miền núi |
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết thêm: Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi khi Hiệp định TPP có khả năng được quốc hội 12 nước thông qua vào đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế AEC được thành lập sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại, đầu tư, lao động nội khối. Đặc biệt, Hiệp định thương mại biên giới của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới được sửa đổi, ký kết sẽ từng bước nâng cao đời sống cư dân biên giới, kết nối Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đây là những điều kiện thuận lợi, là cơ hội, đồng thời cũng là những thách thức mà các Bộ, ngành, tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo cần nắm bắt để từ đó có sự phối hợp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại những khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.