Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yukio Hatoyama tại Nhật Bản (tháng 11/2009)
CôngThương - Ngoài các cán bộ cấp cao của các Bộ, ngành, tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này còn có một số tập đoàn, tổng công ty đang có các dự án liên quan trực tiếp tới nội dung của chuyến thăm như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sân bay quốc tế Long Thành, hợp tác khai thác đất hiếm… Đây đều là những dự án hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước.
Chuyến thăm cấp cao này đã khẳng định Việt Nam không những rất coi trọng quan hệ với Nhật Bản mà còn mong muốn thúc đẩy quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
38 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973), hai nước Việt Nam-Nhật Bản không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và đến nay đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược .
Thành công đó là kết quả của việc duy trì các cuộc gặp cấp nguyên thủ giữa hai quốc gia.
Thời điểm này 5 năm trước, tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ đã sang thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến công du đã đặt những “viên gạch” đầu tiên đưa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản hướng tới đối tác chiến lược. 5 năm sau, tháng 10/2010, hai bên đã ký "Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” nhân chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Thủ tướng Nhật Naoto Kan. Tuyên bố này mở ra chương mới trong lịch sử quan hệ và hợp tác giữa hai nước.
Tại cuộc gặp lần này, mang theo kỳ vọng của nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đầu tư, thương mại, ODA, du lịch, lao động, văn hóa giáo dục... , đồng thời thúc đẩy và phấn đấu đạt được cam kết cụ thể trong việc triển khai các nội dung và dự án hợp tác kinh tế mang tầm chiến lược.
Hiện nay, về hợp tác thương mại, Nhật Bản đang là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2010, thương mại song phương hai nước tăng trưởng mạnh với mức kim ngạch đạt hơn 16 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2009. Trong năm 2011, tính đến hết tháng 9, kim ngạch thương mại hai nước đạt xấp xỉ 15 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt gần 7,5 tỷ USD, (chủ yếu là các mặt hàng: thủy sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ… ); nhập khẩu đạt hơn 7,4 tỷ USD với những mặt hàng chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ôtô, nguyên liệu dệt, da…
Về đầu tư, đến hết tháng 8/2011, Nhật Bản có 1.572 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 21,78 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Những năm qua, kể từ khi nối lại việc cung cấp ODA, Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành quốc gia cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tháng 12-2010, Nhật Bản đã cam kết mức viện trợ tài khóa 2010 cho Việt Nam là 1,76 tỷ USD, tập trung vào cơ sở hạ tầng, đối phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực công nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch... cũng ngày càng đạt được nhiều kết quả.
Về phía mình, khi Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 vừa qua, Việt Nam là một trong những nước rất tích cực giúp đỡ trong công tác khắc phục hậu quả.
Chính phủ Việt Nam đã gửi tặng người dân Nhật Bản 200.000 USD để hỗ trợ sau động đất. Riêng Bộ Công Thương Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn đã chuẩn bị, tập hợp, vận chuyển và bàn giao cho nước bạn gần 8 tấn hàng hóa cứu trợ.