Ảnh: internet
CôngThương - Đại diện cho nhóm đối lập tại Lybia cho biết, họ sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ trong khi đang được các nước đồng minh châu Âu yểm trợ quân sự bằng những cuộc không kích tại miền Tây nước này. Nhờ cuộc nổi dậy lần này, nhiều giếng dầu lớn, có ý nghĩa chiến lược đã rơi vào tay phe đối lập với tổng thống Gadhafi.
Trong một buổi họp báo tại Benghazi, miền đông Lybia, ông Ali Tarhoni, đại diện phụ trách vấn đề kinh tế, tài chính và dầu mỏ của nhóm đối lập - tuyên bố: “Hiện, chúng tôi đang sản xuất khoảng 100.000 - 130.000 thùng/ngày và có thể dễ dàng tăng công suất lên 300.000 thùng/ngày”.
Phe đối lập đã đạt được một thỏa thuận với Qatar. Theo đó, Qatar sẽ giúp nhóm này đưa sản phẩm dầu thô ra thị trường thế giới. Ông Ali Tahroni nhấn mạnh: “Lô dầu tiếp theo sẽ được xuất đi ngay trong tuần tới”. Hiện, lực lượng nổi dậy đã liên hệ với một công ty dầu lửa Qatar. Công ty này sẵn sàng tiếp nhận tất cả số dầu mà đối tác Lybia - phe nổi dậy chống Gadhafi xuất khẩu sang và đưa ra thị trường thế giới giúp họ. Các nhà phân tích cho rằng, đối tác bên kia của nhóm nổi dậy có thể chính là Công ty Dầu Qatar (QP), một công ty nhà nước thuộc quốc gia rất giàu dầu mỏ và khí đốt này.
Qatar là nước đầu tiên, đồng thời cũng là quốc gia duy nhất trong khối Ả rập tham gia tích cực vào các hoạt động quân sự.
Bên cạnh đó, vị đại diện trên còn cho biết “Chúng tôi có một tài khoản ký quỹ. Tiền sẽ được chuyển vào tài khoản này. Như vậy, sẽ không có bất kỳ khâu trung gian nào, chúng tôi luôn biết tiền đang ở đâu”. Điều này đáp ứng được yêu cầu từ phía Mỹ, khi nước này yêu cầu phe đối lập phải thiết lập hệ thống thanh khoản không thông qua Ngân hàng trung ương Libya hay bất kỳ cơ quan Chính phủ nào.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tarhoni, hiện nhóm này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp vận chuyển dầu thô xuất khẩu. Trong khi đó, lượng dầu cần xuất khẩu rất lớn, và sẽ càng lớn hơn khi lực lượng này chiếm được hai cảng dầu ở Brega và Ras Lanouf. Thêm vào đó, vấn đề bảo hiểm cũng đang là trở ngại. Bởi khó có thể tìm thấy một công ty bảo hiểm nào chịu bảo hiểm cho các chuyến hàng dầu lửa khi đi khỏi những cảng đang được kiểm soát bởi lực lượng này, một đại diện khác của quân nổi dậy cho biết.
Lybia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi và là nhà sản xuất lớn thứ tư của lục địa này. Trước chiến tranh, mỗi ngày quốc gia này xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu đi khắp thế giới. Theo tờ The Economist - tuần báo kinh tế của Anh, năm 2010, Italia là nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Lybia với 376.000 thùng/ngày (chiếm hơn 21% tổng lượng dầu nhập khẩu vào Ý), Pháp đứng thứ hai với 205.000 thùng/ngày.
Cuối tháng hai, các tập đoàn dầu lửa đã ngừng hoạt động tại Lybia gây lo ngại thiếu nguồn cung. Thêm vào đó, những diễn biến bất ổn mới tại Syria và Yémen đã khiến giá dầu liên tục biến động. Tại Tripoli, tình trạng thiếu nhiên liệu đang trở thành “cơn ác mộng”, khiến nhiều người phải bỏ dở việc trong khi một số phải ngủ ngay tại trạm xăng với hy vọng mua được xăng dầu. Công ty Dầu khí Quốc gia Lybia lên tiếng khẳng định, vào tuần trước công ty vẫn duy trì sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa của đất nước.