UBND huyện Tu Mơ Rông sẽ tổ chức phiên chợ “Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch” trong 3 ngày (từ ngày 24 - 26/4/2022) tại Quảng trường trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Phiên chợ có 44 gian hàng của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác và các sản phẩm đặc hữu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh tham gia.
Trong khi trên thị trường, sâm Ngọc Linh thật giả lẫn lộn, phiên chợ chính là nơi bán sâm thật, khách mua an tâm để lựa chọn. Phiên chợ còn gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Kon Tum, thể hiện khát vọng làm giàu từ cây sâm và các sản phẩm bản địa.
Với ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn lực vốn có được thiên nhiên ưu đãi, nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng; lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng; đặc biệt với độ cao từ 1.000m trở lên so với mặt nước biển, có độ ẩm lớn, đã tạo nên nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế và kinh tế như: sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, đương quy, lan kim tuyến, sa nhân, ý dĩ, đinh lăng và các loại nấm dược liệu khác ...
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh được biết đến là cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, được dược sĩ Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu Ban dân y Quân khu 5 phát hiện tại vùng Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum vào năm 1973. Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định, sâm Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, nó chứa đến 52 hợp chất saponin, là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới.
Vườn sâm Ngọc Linh trổ hoa |
Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Với 1.200ha đã trồng và hàng chục nghìn ha đã được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh cùng các dược liệu khác như 193ha đảng sâm, 178 ha sơn tra, 34 ha ngũ vị tử, các loài nấm có giá trị như lim xanh, ngọc cẩu... Đỉnh núi Ngọc Linh còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa có lời giải đáp với gần 70% độ che phủ bởi rừng trên toàn huyện, đây là tiềm năng để phát triển du lịch khám phá, chinh phục đỉnh Ngọc Linh kết hợp với tham quan vườn sâm Ngọc Linh, một loại hình du lịch có thể thu hút được nhiều du khách, đã và đang được xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng.
Có thể khẳng định: Rừng - sâm Ngọc Linh - các loại dược liệu gắn với du lịch là lợi thế của Tu Mơ Rông, có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, khăng khít không thể tách rời. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế còn lại; mất rừng sẽ không thể phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu; khi không còn sâm Ngọc Linh thì không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch; mất rừng sẽ không còn nguồn nước, không còn thác nước đẹp, không còn nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với Bí thư tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (ngoài cùng bên phải) về vườn ươm sâm Ngọc Linh |
Làm sao phát triển được sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu để cung cấp ra thị trường, cho người tiêu dùng qua các kênh khách nhau; làm thế nào để phát huy được chuỗi kinh tế xanh đặc hữu này, nhằm đưa người đồng bào dân tộc Xơ Đăng thoát nghèo, hướng tới làm giàu, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững là câu chuyện còn nhiều vấn đề cần được luận giải thấu đáo, phải có những giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược, phải có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để huyện Tu Mơ Rông trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, góp phần đưa Kon Tum thành trung tâm dược liệu của cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.
Tu Mơ Rông còn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ quanh năm, có nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên với những cánh rừng nguyên sinh, có nhiều thác, suối tự nhiên và vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có; cùng với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán được đồng bào dân tộc Xơ Đăng lưu giữ.
Tu Mơ Rông còn có tiềm năng thu hút khách du lịch, đặc biệt là những người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử về vùng đất, con người nơi đây, như: tham quan, khám phá cảnh quan thiên nhiên khu du lịch sinh thái Ngọc Linh, Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri và du lịch sinh thái, trải nghiệm vườn dược liệu, thác nước đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông xã Đăk Na, hồ thủy điện Đăk Psi, ruộng bậc thang Măng Ri...
Cùng với phiên chợ sâm trực tuyến và trực tiếp còn diễn ra 6 hoạt động khác như: Diễn đàn sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch với sự tham gia của các sở, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu, du lịch, kinh tế hợp tác xã; phát động chiến dịch “Và rừng sẽ nên xanh”; chương trình famtrip caravan tham quan vườn sâm và các thắng cảnh; chương trình văn hóa, thể thao với 3 hoạt động: Lễ hội cồng chiêng, liên hoan ẩm thực, giải bóng đá mini tranh cúp K5; hoạt động định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm; chiến dịch đưa lan về rừng…
Những hoạt động nằm trong khuôn khổ chung của chuỗi hoạt động lớn lần đầu tiên của huyện với quy mô khoảng 1.000 khách, trong đó có 700 khách famtrip caravan là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí... sẽ là dịp để huyện Tu Mơ Rông quảng bá đến bạn bè, là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và khách hàng trong và ngoài tỉnh giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác; giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và các nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Tu Mơ Rông.