Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được nhận di sản Phấn đấu “mỗi người dân là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch” tại Phong Nha- Kẻ Bàng |
Để tiếp tục khai thác hiệu quả giá trị Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo hướng bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế cần một số giải pháp thích hợp.
Theo đó, cần thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú về các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Phong Nha - Kẻ Bàng cho người dân, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên/ đại sứ du lịch”, từ đó, người dân chung tay, đồng hành cùng chính quyền trong giữ gìn an toàn, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền đối với cộng đồng dân cư vùng đệm để nâng cao nhận thức cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản.
Du khách nghỉ ngơi thích thú bên thác nước ở bên hang Tú Làn. Ảnh: Oxalis cung cấp |
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các nội dung liên quan Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với mục tiêu phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của Châu Á. Đồng thời, tiến hành rà soát các quy hoạch có liên quan đến phát triển du lịch đã phê duyệt để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng du lịch tại khu vực như Phong Nha - Kẻ Bàng, như: điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, ẩm thực, khu, tuyến, điểm du lịch, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn...
Ngoài ra, có các chính sách đặc thù, xây dựng môi trường du lịch bình đẳng văn minh để thu hút các nguồn lực, huy động hiệu quả các nhà đầu tư về phát triển du lịch. Trong đó chú trọng hoàn thiện và đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại, đầu tư các dự án mang tính động lực, cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư, đảm bảo Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đủ điều kiện công nhận trước năm 2025.
Thám hiểm khám phá Hang Tiên. Ảnh: Oxalis cung cấp |
Hơn nữa, cần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đẳng cấp đã từng khẳng định thương hiệu như du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, khám phá hang động. Đồng thời nghiên cứu, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển các dịch vụ hỗ trợ, các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch nghiên cứu khoa học... Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mùa thấp điểm phù hợp với khu vực Phong Nha –Kẻ Bàng nhằm khai thác và phát huy nguồn tài nguyên du lịch đặc thù gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và phù hợp với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước trên các nền tảng số, kênh số, tạp chí chuyên ngành, thông qua người nổi tiếng, qua các chương trình tin tức, tọa đàm, các tạp chí chuyên ngành du lịch quốc tế; qua phim ảnh, video âm nhạc; các sự kiện văn hoá, thể thao, lễ hội quy mô cấp tỉnh... với hình thức đa dạng, nội dung hấp dẫn, chuyên biệt từng thị trường khách.
Bên cạnh đó, duy trì kết nối thường xuyên liên tục với các thị trường, đồng thời nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch.
Độc đáo hang Va. Ảnh: Oxalis cung cấp |
Điều cần thiết là phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn Khu du lịch quốc gia và vùng đệm.
Những vấn đề cần lưu tâm là việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm; nghiên cứu tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu có quy mô về đánh giá sức chứa các khu, điểm tham quan du lịch tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng để tạo cơ sở khoa học trong vấn đề đảm bảo hiệu quả hoạt động khi cao điểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về thực hiện các quy định về giá, chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh tại Phong Nha- Kẻ Bàng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hướng dẫn các cơ sở hoạt động tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng triển khai các hoạt động du lịch theo quy định…