Kết quả đáng ghi nhận
Đánh giá từ Sở Công Thương Phú Thọ, 6 năm qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 38,895 tỷ đồng, đến năm 2019 đã tăng lên trên 77,105 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,04%. Năng lực sản xuất công nghiệp phát triển cả về số lượng, quy mô, trình độ công nghệ và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cơ sở công nghiệp nông thôn được ưu tiên hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất |
Kết quả khả quan của sản xuất công nghiệp nói chung và ngành CNNT nói riêng của Phú Thọ những năm qua có sự góp sức lớn của công tác khuyến công. Nói về điều này, đại diện Sở Công Thương nhận định: Thông qua công tác khuyến công, nhiều chương trình, dự án đã được lồng ghép triển khai đồng bộ. Đem lại việc làm cho 2.000 lao động nông thôn, tiên tiến hóa sản xuất, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Hoạt động khuyến công cũng giúp các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo thống kê, 6 năm qua, Khuyến công Phú Thọ đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới cho 17 cơ sở CNNT, tập trung nhân rộng các mô hình chế biến nông - lâm sản, sản phẩm phụ trợ…; hỗ trợ 99 cơ sở CNNT đầu tư mới, mở rộng sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, chế biến nông - lâm sản…
Mục tiêu giai đoạn mới
Với những đóng góp to lớn, Sở Công Thương Phú Thọ đã xây dựng mục tiêu, định hướng cho công tác khuyến công giai đoạn mới (2021 - 2025). Trong đó, khuyến công giữ vai trò nòng cốt, thúc đẩy CNNT của tỉnh phát triển với mức tăng trưởng bình quân 15%/năm; đến năm 2025 tăng trưởng CNNT đạt cao hơn mục tiêu trong quy hoạch phát triển công nghiệp; tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông – lâm - thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế ở khu vực nông thôn.
Để thực hiện mục tiêu, hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn là ưu tiên hàng đầu của Khuyến công Phú Thọ trong giai đoạn mới. Thông qua các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, khuyến công tiếp tục đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất CNNT, tạo ra quy mô sản xuất lớn, sản phẩm đồng đều, chất lượng tốt. Đưa yếu tố xanh, bền vững vào sản xuất CNNT như áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng… giúp cơ sở CNNT tiến gần hơn các yêu cầu về hội nhập kinh tế.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh, bên cạnh đảm nhiệm trách nhiệm khuyến khích phát triển CNNT, Khuyến công Phú Thọ cũng cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh kinh tế mới. Nhất là khi hội nhập kinh tế quốc tế khiến hàng hóa nhập khẩu đa dạng, giá thành hợp lý hơn. Do vậy, một số nội dung của công tác khuyến công cần được ưu tiên trong giai đoạn tới, như: Các dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư mới, và dần di dời doanh nghiệp từ trong khu dân cư vào cụm công nghiệp; hỗ trợ, thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, đầu tư sản xuất gắn liền với chế biến sâu sản phẩm nông - lâm nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng…; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và các dự án kết nối giao thương. Bởi thương hiệu mạnh sẽ tạo uy tín giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các thị trường lớn, đem lại giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững…
Giai đoạn 2014 - 2020, tổng kinh phí thực hiện công tác khuyến công của Phú Thọ là 40,279 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia trên 20 tỷ đồng, khuyến công địa phương trên 20,27 tỷ đồng. |