Đề nghị kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Trải qua 28 năm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống |
Cụ thể, tại Công văn số 386/BHXH-CSXH gửi Bộ Lao động, Thương binh Xã hội đề xuất phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng một số đơn vị phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo Luật định (chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội) ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách cho thấy, do đời sống gặp nhiều khó khăn, người lao động tại các đơn vị này có nhu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội và tự nguyện đóng nộp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng các chế độ.
Vì vậy, để giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, thân nhân người lao động đồng thời đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục báo cáo và đề xuất giải quyết chế độ với một số trường hợp.
Cụ thể: Về chế độ hưu trí, cho phép giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trường hợp sau đó, khoản tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu. Đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 10 năm trở lên) mà người lao động có nguyện vọng thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Với chế độ bảo hiểm xã hội một lần, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất giải quyết cho người hưởng theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp sau đó, khoản tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì sẽ giải quyết bổ sung bảo hiểm xã hội một lần theo tiết d điểm này.
Đặc biệt, việc giải quyết bổ sung bảo hiểm xã hội một lần sau khi đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội với trường hợp khoản tiền bảo hiểm xã hội đơn vị chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì cơ quan bảo hiểm xã hội tính gộp thời gian đã giải quyết trước đó với thời gian đóng bổ sung để xác định lại mức hưởng mới theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 tại thời điểm giải quyết sau và trừ đi mức hưởng được tính lại tương ứng với thời gian hưởng đã được tính bao gồm cả thời gian đã làm tròn (nếu có) để chi trả bổ sung cho người lao động (tương tự như đề xuất cách tính tại điểm đ khoản 2 Công văn số 1936/BHXH-CSXH ngày 5/7/2021 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Chưa giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội), trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn về giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với trường hợp có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (trong đó có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và còn lại là thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội).
Liên quan đến chế độ tử tuất, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí đối với người lao động có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên hoặc tổng thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội) được giải quyết trợ cấp mai táng đối với thân nhân theo quy định.
Giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 15 năm thực đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội), có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà không lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.
Theo đó, giải quyết trợ cấp tuất một lần đối với các trường hợp người lao động chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội); người lao động có đủ 15 năm thực đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội), thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định mà lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần...
Về giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản trên cơ sở thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội đã được xác nhận. Riêng đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi mà đơn vị chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, đề nghị cho phép thực hiện như sau: Đối với người có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì cho phép giải quyết trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận nuôi con nuôi theo quy định. Trường hợp sau đó, khoản tiền chưa đóng bảo hiểm xã hội trước đó được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác mà làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo chính sách tại thời điểm hưởng.