Postmart.vn: Đưa nông sản từ “làng” lên “phố”
Tinh hoa từ hạt gạo
Hợp tác xã Mỳ chũ Xuân Trường nằm trong một ngõ nhỏ thuộc thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Chỉ cần đi đến đầu làng, rồi men theo mùi thơm ngọt ngào của gạo mới, của hoa đậu biếc xanh, của gấc chín đỏ thắm… là đến với một trong những cơ sở sản xuất mỳ chũ được người tiêu dùng ưa thích nhất Bắc Giang.
Người làng kể lại, ngày xa xưa, để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người nghệ nhân phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức. Gạo bao thai hồng được trồng từ vùng đất đồi Lục Ngạn, hạt to, thơm ngát được đem về nhặt, đãi, vo sạch, cho vào lu ngâm sáu đến tám tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột deo dẻo, sanh sánh. Bột ấy được đem ra lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.
Đầu tư công nghệ sản xuất mỳ chũ |
Từ tờ mờ sáng, người nghệ nhân đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải người làm mì nào cũng thực hiện được.
Đến nay, để giảm bớt công sức lao động và sản xuất sản phẩm hàng hoá, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường đã đầu tư máy móc để sản phẩm ra đời nhanh hơn. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn giữ nguyên những hương vị vốn có do được sản xuất theo bí quyết gia truyền, không sử dụng các tạp chất, chất bảo quản, tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cùng với mỳ trắng truyền thống, loại mỳ ngũ sắc được nhuộm hoàn toàn bằng các loại lá, quả, củ như gấc, hoa đậu biếc, vừng đen, đông trùng hạ thảo… là sản phẩm đặc biệt của HTX. Tỉ mỉ đến mức dùng lạt và cỏ để bó mỳ thành từng bó nhỏ, sản phẩm mỳ chũ Xuân Trường dễ gây ấn tượng đặc biệt và tốt đẹp với bất cứ người tiêu dùng nào.
Sản phẩm được phơi khô trước khi đóng gói |
Sản phẩm chất lượng là vậy, song đầu ra lại không dễ dàng. Ông Phạm Xuân Trường – PGĐ HTX Mỳ chũ Xuân Trường chia sẻ, từ giai đoạn đầu được thành lập (năm 2009), HTX gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, bà con thành viên HTX luôn trăn trở đầu ra cho sản phẩm. Giai đoạn đó, bà con cũng chưa biết đóng gói, khiến sản phẩm chưa bắt mắt.
Để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, hơn 2 năm gần đây, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã hợp tác với HTX Mỳ chũ Xuân Trường để đưa sản phẩm lên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart và một phần bán tại các bưu cục.
Nhân viên bưu điện (áo vàng) hỗ trợ người dân dán tem, đóng gói |
“Trước khi chưa tham gia sàn thương mại điện tử, chúng tôi tự đi chào hàng qua một số kênh truyền thống như chợ, siêu thị… nhưng hiệu quả không cao. Khi lên sàn Postmart, chúng tôi được tiếp cận với khách hàng mua lẻ, các khách hàng đại lý, doanh số tăng đến 20% so với bình thường” – ông Phạm Xuân Trường vui vẻ chia sẻ. Đồng thời cho biết, khi tham gia sàn Postmart, HTX được nhân viên bưu điện hỗ trợ rất nhiệt tình. Khi có đơn hàng, nhân viên sẽ gọi điện thông báo, sau khi đóng hàng, nhân viên bưu điện sẽ đến đưa đi tiêu thụ luôn, rất tiện lợi cho HTX.
“Ngay cả trong thời gian dịch bệnh phải giãn cách xã hội, sàn thương mại điện tử vẫn đến tận nơi lấy hàng. Thậm chí nhiều thời điểm chúng tôi “cháy” hàng do người tiêu dùng mua tích trữ nhiều. Nhìn chung, kinh doanh qua sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi bớt đi mối lo về đầu ra sản phẩm” – ông Trường cho biết.
Chưa kể, với vai trò là nơi kết nối, nhân viên bưu điện còn thường xuyên phản hồi lại những mong muốn của khách hàng đối với HTX. Nhờ đó, HTX có thể nắm bắt tốt thông tin thị trường, sản xuất ra các sản phẩm thực sự đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Kỳ vọng tăng doanh thu
Để chinh phục được ngày càng nhiều người tiêu dùng, sau khi lên sàn, HTX Mỳ chũ Xuân Trường cũng đã quyết tâm đầu tư nhà xưởng, sản xuất quy mô theo các tiêu chuẩn ISO, thay đổi bao bì, nhãn mác hấp dẫn hơn để tăng cường hiệu quả xúc tiến thương mại.
Ông Trường cho biết, hiện nay, lượng tiêu thụ qua sàn Postmart đang chiếm khoảng 10% lượng sản xuất của HTX. Mục tiêu sắp tới là sẽ nỗ lực để tăng lượng tiêu thụ này lên.
Sản phẩm mỳ ngũ sắc được người tiêu dùng ưa chuộng |
Bà Nguyễn Thị Giang – Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang cho biết, dưới sự chỉ đạo và định hướng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ HTX mỳ chũ Xuân Trường trong việc kinh doanh trên sàn Postmart và hệ thống bưu cục. Đặc biệt, tại hệ thống bưu cục của bưu điện, khi người dân đến lấy lương hưu, hoặc giao dịch, giao dịch viên đều giới thiệu về các mặt hàng nông sản địa phương để góp phần quảng bá và tiêu thụ cho sản phẩm. Bưu điện Bắc Giang còn hỗ trợ người dân tự kinh doanh trên sàn thương mại điện tử bằng cách hướng dẫn người dân mở tài khoản, hướng dẫn bán hàng, quảng bá… để sản phẩm được ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến.
Người dân mua mỳ chũ tại bưu điện Bắc Giang |
Từ một loại đặc sản đặc trưng của vùng đất đồi Lục Ngạn, mỳ chũ Xuân Trường đã đến với người dân mọi miền Tổ quốc, chinh phục người dân bằng chính chất lượng vượt trội và giá bán cạnh tranh của sản phẩm. Trong mục tiêu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sẽ không chỉ mỳ chũ, vải thiều mà rất nhiều sản phẩm khác sẽ từ “làng” lên “phố”, đến với người dân khắp mọi miền đất nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử thuần Việt.