Doanh nghiệp tư nhân Hệ Dưỡng (Hoa Lư - Ninh Bình) - doanh nghiệp luôn chấp hành quy định về an toàn trong khai thác
CôngThương - Có thể nói, trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là khai thác tài nguyên khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, an toàn sản xuất luôn được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Bởi lẽ, hoạt động có sử dụng VLNCN nếu không bảo đảm các điều kiện nghiêm ngặt về trang thiết bị, đặc biệt là yêu cầu đối với con người trực tiếp liên quan đến sử dụng VLNCN sẽ dễ dẫn đến những tai nạn thảm khốc.
Là địa phương có thế mạnh phát triển công nghiệp xi măng, cùng với đó là sự phát triển mạnh của làng đá mỹ nghệ nổi tiếng Ninh Vân, nên nhu cầu khai thác đá làm nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy và làng nghề rất lớn. Trong những năm qua, hoạt động khai thác đá tại Ninh Bình đã góp phần quan trọng phát triển công nghiệp sản xuất xi măng, cung cấp vật liệu cho ngành xây dựng và đáp ứng nhu cầu đá nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tại địa phương. Ngoài những đóng góp lớn về hiệu quả kinh tế, thành công lớn nhất của Ninh Bình thời gian qua là việc quản lý chặt chẽ, bảo đảm ATVSLĐ, PCCN và không để xảy ra sự cố, tai nạn đáng tiếc trong việc sử dụng VLNCN phục vụ khai thác đá.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 41 đơn vị hoạt động liên quan đến VLNCN, gồm có 2 đơn vị cung ứng VLNCN và hoạt động dịch vụ nổ mìn do Bộ Công Thương cấp phép, 39 đơn vị do UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy phép sử dụng VLNCN phục vụ khai thác khoáng sản và xử lý mặt bằng xây dựng công trình. Trong số các đơn vị được tỉnh cấp giấy phép sử dụng VLNCN chỉ có 2 đơn vị sử dụng VLNCN để phục vụ cải tạo mặt bằng xây dựng công trình, số còn lại sử dụng VLNCN phục vụ khai thác tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là khai thác đá.
Chúng tôi cùng các cán bộ của Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường (Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình) đến thăm một số đơn vị như chi nhánh sản xuất vật liệu xây dựng số 3 thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1- Bộ Xây dựng hoạt động khai thác đá cung ứng nguyên liệu cho nhà máy xi măng Tam Điệp, doanh nghiệp tư nhân Hệ Dưỡng khai thác đá nguyên liệu để sản xuất xi măng và cung cấp cho làng nghề đá Ninh Vân...
Có ra tận khai trường mới thấy hết được những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động khai thác đá, sử dụng VLNCN. Đi cùng chúng tôi, ông Ngô Quang Vinh- Phó trưởng phòng- chia sẻ: “Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra và đôn đốc việc bảo đảm ATVSLĐ, PCCN, đặc biệt là các qui định, qui trình sử dụng VLNCN tại các đơn vị. Đối với việc thực hiện qui định về sử dụng VLNCN, sẽ không có cơ hội để sửa sai, rút kinh nghiệm, nên luôn luôn phải thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị luôn nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các qui định nên hoạt động sản xuất, khai thác luôn bảo đảm an toàn”.
Để quản lý lĩnh vực sử dụng VLNCN, Chính phủ đã ban hành các nghị định về quản lý sản xuất, cung ứng và sử dụng VLNCN; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bộ Công Thương cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng VLNCN.
Theo quy định hiện hành, những người lao động có liên quan đến sử dụng VLNCN phải được Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật an toàn trong sử dụng VLNCN và cấp chứng chỉ, làm cơ sở để giám đốc doanh nghiệp cấp “sổ mìn” cho người lao động. Chứng chỉ này có giá trị trong 2 năm. Hết thời hạn này, người lao động lại được Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan huấn luyện, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ mới.
Khai thác đá tại Ninh Bình luôn chú trọng an toàn
Ông Lương Xuân Bằng Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình: Trong khai thác đá nói riêng và khoáng sản nói chung, khi sử dụng VLNCN tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và sẽ “không có cơ hội” sửa sai nếu để xảy ra sự cố. Vì vậy đòi hỏi phải có những điều kiện rất nghiêm ngặt về trang thiết bị, vật tư, đặc biệt là yêu cầu đối với con người trực tiếp liên quan đến sử dụng VLNCN. |
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng VLNCN, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN, tập trung vào những nội dung: Hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, bảo quản và sử dụng VLNCN; hợp đồng mua bán, vận chuyển, dịch vụ VLNCN; hộ chiếu nổ mìn; sổ sách theo dõi xuất, nhập VLNCN; số lượng thuốc nổ đã sử dụng theo giấy phép; công tác ATLĐ trong khai thác, bảo quản và sử dụng VLNCN…
Đến nay, 100% đơn vị đều có giấy phép sử dụng VLNCN do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Các đơn vị đều có đủ hồ sơ pháp lý về sử dụng VLNCN, đều lập phương án nổ mìn và hộ chiếu nổ mìn đúng theo quy định và mẫu hướng dẫn của Bộ Công Thương, phối hợp với chính quyền địa phương nơi nổ mìn và thông báo cho nhân dân quanh khu vực biết thời gian, thời điểm, tín hiệu và các biển báo khu vực nguy hiểm do nổ mìn. Các kho bảo quản VLNCN đều được thiết kế xây dựng và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Các đơn vị định kỳ thực hiện đo kiểm tra hệ thống thu lôi tiếp địa chống sét, phát quang cây cỏ xung quanh khu vực kho... Đặc biệt, các đơn vị luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội, không để thất thoát VLNCN ra ngoài, sử dụng VLNCN đúng mục đích, địa điểm cấp phép.