Điều chỉnh hành vi cho “dân công sở”
Theo đó, nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, tại Chỉ thị 33, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn những sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường |
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và chất thải khác có thể tái chế, không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện mô hình kiểu mẫu làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý; thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị để bảo vệ môi trường (BVMT).
Năm 2021, siêu thị “chấm dứt” dùng túi nilon
Đối với hệ thống siêu thị, thương mại, phân phối bán lẻ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị tại đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu phát thải chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để BVMT; vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán cafe, khu du lịch và cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, không cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hàng, hoặc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Tại trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, địa phương phải bố trí các thùng thu gom, phân loại rác. Riêng với các tiểu thương tại chợ dân sinh truyền thống sẽ phải nộp phí dịch vụ thu gom rác. Với các cơ sở y tế và cơ sở giáo dục sẽ phải đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế, trường học xanh-sạch-đẹp. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên…
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nilon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế BVMT, đặc biệt là đối với túi nilon.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý, hoàn thành trước ngày 30/10/2020. |