Lĩnh vực dệt may ở Quảng Nam được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý |
Đáng chú ý là dự án Khu Liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)- Bộ Công Thương tổ chức lễ khởi công xây dựng ngày 25/3, tại huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Dự án này có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong thời gian 2 năm và khi đi vào hoạt động ước đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Cùng thời điểm đó, Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) cũng khởi công xây dựng nhà máy quy mô 20.000 cọc sợi tại xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) với tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Đây là nhà máy thứ 7 của Tổng công ty Hòa Thọ trên địa bàn hoàn thành chu trình khép kín, chủ động nguồn nguyên liệu cho tổng công ty.
Bên cạnh đó, còn có 2 dự án có vốn FDI vào ngành dệt may cũng đang được triển khai là:
Khu liên hợp sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu của Công ty PanKo (Hàn Quốc) tổng vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và nhà máy sản xuất hàng may mặc ONEWOO (Công ty One Woo- Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 6 triệu USD (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được).
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện đang có làn sóng di cư các dự án đầu tư dệt may từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào nước ta để tranh thủ lợi ích từ TPP. Tuy nhiên nếu không quản lý tốt việc xử lý nước thải thì sẽ gây hại lớn cho môi trường. |
Ông Võ Văn Hùng- Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam (IPA Quảng Nam) - cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư trong nước và DN từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan tìm đến Quảng Nam để khảo sát, nghiên cứu và xúc tiến đầu tư ở lĩnh vực ngành dệt may. Trong đó IPA Quảng Nam đã làm việc và ký biên bản thỏa thuận đầu tư với hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, khảo sát và lập dự án đầu tư ở lĩnh vực sản xuất dệt, sợi và may xuất khẩu…. Điểm khác biệt so với trước đây là các dự án đầu tư lần này đa số có quy mô lớn. Các nhà đầu tư còn nhắm đến thị trường mới mà ta còn yếu như cung cấp nguồn nguyên liệu sợi, chỉ cho các nhà máy may trong nước. Như Dự án sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ ni-lon và các loại chỉ may công nghiệp khác với quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm của Công ty Rio Industries (Hàn Quốc) ở Cụm công nghiệp Tây An (Duy Xuyên) có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6 triệu USD, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động đầu năm năm 2016.
Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực dệt may là điều đã được dự đoán vì đây là các dự án đón đầu khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên để hưởng ưu đãi này, dệt may Việt Nam phải bảo đảm từ nguyên liệu đến thành phẩm đều có xuất xứ các nước TPP. Trong khi đó ngành dệt may Việt Nam hiện phải nhập khẩu 90% nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc (không thuộc khối TPP). Khu vực miền Trung nhất là Quảng Nam, đất rộng, rất lý tưởng để xây dựng vùng nguyên liệu, lực lượng lao động trẻ dồi dào, có chính sách thu hút đầu tư cởi mở nên chắc chắn rằng ngành công nghiệp dệt may của tỉnh sẽ còn thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm đến.