Quảng Nam: Tăng giá trị cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
Là một trong số các sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2020, bánh chưng truyền thống Bà Ba Hội đang được đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung- Tây Nguyên đón nhận.
Quảng bá bánh chưng truyền thống Bà Ba Hội |
Theo chia sẻ của chị Huỳnh Thị Thu Thủy – chủ cơ sở bánh chưng truyền thống Bà Ba Hội, với giá bán dao động khoảng 30.000 – 50.000 đồng/cái, cơ sở đã cung cấp ra thị trường khoảng 4.500 cái/tháng. Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi tháng cơ sở thu được 20 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Bánh chưng truyền thống Bà Ba Hội là một trong số các sản phẩm CNNTTB của Quảng Nam. Năm 2020, tỉnh đã công nhận 20 trong tổng số 46 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh. Theo đánh giá từ lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, sản phẩm tham gia bình chọn đa dạng và phong phú, số lượng tăng so với kỳ bình chọn trước. Quảng Nam phấn đấu thu hút nhiều hơn nữa các đơn vị tham gia, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB, ngoài giải thưởng còn được Sở Công Thương Quảng Nam thực hiện hỗ trợ nhiều chính sách ưu tiên khác. Tuy vậy, theo đại diện Trung tâm khuyến công- Xúc tiến thương mại và Quản lý cửa khẩu tỉnh, sản phẩm CNNTTB dù độc đáo và có chất lượng nhưng chủ yếu được sản xuất bởi cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản. Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn thấp, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng. Các cơ sở sản xuất chưa liên kết chặt chẽ, bền vững với cơ sở thuộc các ngành kinh tế khác trên địa bàn và với các tỉnh, thành phố lân cận.
Do vậy, để tăng giá trị cho sản phẩm CNNTTB, cần thiết phải có giải pháp tốt cho phát triển cơ sở và doanh nghiệp sản xuất. Nhận thức được mối liên hệ này, nhiều năm qua, Quảng Nam đã huy động mọi nguồn vốn có thể hỗ trợ cho các cơ sở doanh nghiệp CNNT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm CNNTTB được công nhận lập dự án kinh doanh, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tổ chức triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát, hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất CNNT liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.
Song song với đó, Quảng Nam huy động các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ nhằm gia tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng sức cạnh tranh sản phẩm CNNTTB của tỉnh.
Dù rất nhiều giải pháp khả thi được xây dựng, tuy nhiên đại diện Trung tâm khuyến công- Xúc tiến thương mại và Quản lý cửa khẩu Quảng Nam cũng cho rằng, tỉnh cần sự hỗ trợ hơn nữa của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong việc tăng nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm cho khuyến công Quảng Nam. Các đơn vị liên quan chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp yên tâm, cùng phối hợp triển khai các đề án khuyến công phát triển CNNT.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thông tin và tham gia vào các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại; mạnh dạn đầu tư đổi mới sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ đầu năm tới nay, Trung tâm khuyến công- Xúc tiến thương mại và Quản lý cửa khẩu Quảng Nam tích cực hoàn chỉnh và xây dựng kế hoạch triển khai các đề án khuyến công năm 2021, trong đó có các đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNTTB. |