Quảng Ngãi: Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chủ lực
Dệt may là một trong những ngành mà Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm phát triển CNHT trong thời gian qua |
Nhiều thế mạnh
Theo ông Trần Phước Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nhiều ngành công nghiệp như: Cơ khí chế tạo; chế biến thực phẩm, đồ uống; chế biến gỗ, giấy; dệt may, da giày; điện khí và đặc biệt quan tâm phát triển CNHT.
Một số sản phẩm CNHT đang được sản xuất trên địa bàn gồm: Thùng carton, hộp, bao bì bằng nhựa dùng làm bao bì phục vụ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đông lạnh, thực phẩm, bánh kẹo... của Công ty CP PQ Vina, Công ty CP tổng hợp Việt Phú. Các sản phẩm kết cấu thép, thép chữ, thép hình... phục vụ phát triển các sản phẩm cơ khí của Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina được cung cấp từ Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Chiến Thắng (Khu kinh tế Dung Quất).
Đối với ngành điện tử, thành công nhất có thể kể đến là hai doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Khu công nghiệp Tịnh Phong, gồm Nhà máy điện tử Foster - Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Sumida. Các nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm, chi tiết lắp ráp như tai nghe di động, ống nghe điện đài, loa, cuộn cảm... các sản phẩm này chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, còn có các phụ trợ bao gồm: Sản phẩm thép chất lượng cao (phục vụ Doosan Vina); bu lông, ốc vít chất lượng cao (phục vụ đóng tàu); hộp giấy (sản phẩm sữa); hóa chất (phục vụ sản xuất bột biến tính).
Phát triển CNHT phục vụ công nghiệp
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ ưu tiên phát triển CNHT phục vụ công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí và sản xuất kim loại, điện tử và dệt may - da giày. Hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng công suất từ 6,5 - 8,5 triệu tấn/năm (dự kiến hoàn thành vào năm 2021). Bên cạnh đó, Quảng Ngãi chủ trương quy hoạch phát triển các tổ hợp hóa dầu trên địa bàn theo chu trình khép kín, từ khâu lọc dầu đến chế biến sâu theo các công nghệ hóa dầu; cộng với Dự án Nhà máy điện khí (khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh) sắp triển khai.
Theo đó, phát triển CNHT cho hóa dầu sẽ tập trung vào các lĩnh vực như: Vận hành và bảo dưỡng các công trình dầu khí; cung ứng nhân lực cho việc lắp đặt và đấu nối chạy thử, hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng; cung cấp vật tư, phụ tùng; phát triển các tổng kho, hệ thống kho trung chuyển, các trạm nạp kho hóa lỏng, dịch vụ xăng dầu. Ngoài ra, cần thu hút đầu tư đội tàu vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu khí, các xe bồn chở xăng dầu và khí hóa lỏng, trạm nạp khí nén đáp ứng nhu cầu của nhà máy lọc dầu và thị trường trong nước.
Đối với CNHT ngành cơ khí và sản xuất kim loại, cùng với Doosan Vina, hiện nay tại Khu Kinh tế Dung Quất có một số dự án lớn đang được triển khai như: Thép Hòa Phát (2,5 triệu tấn/năm - giai đoạn 1); nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; điện khí Sembcorb... nên đây sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành CNHT cơ khí và sản xuất kim loại phát triển.
Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm CNHT cho ngành điện tử như: Linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản; linh kiện thạch anh, vi mạch điện tử; vật liệu sản xuất linh kiện điện tử; linh kiện phục vụ lắp ráp điện tử...
Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT về vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động này. Cùng với đó, tăng cường liên kết hình thành chuỗi giá trị sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNHT.
Hiện, Quảng Ngãi đang phối hợp với Bộ Công Thương thành lập Trung tâm Phát triển CNHT khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại tỉnh và trực thuộc Bộ Công Thương. |