Giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều tồn tại
Trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ngãi cơ bản đảm bảo theo tiến độ. So với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 16,2%, cao hơn so với bình quân chung cả nước (11,88%). Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn đã phân khai thì tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh đạt 10,5%, thấp hơn bình quân chung cả nước, thấp hơn so với kế hoạch UBND tỉnh đã đề ra (đến ngày 31/3/2022 giải ngân đạt 19%).
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi |
Trong đó còn nhiều tồn tại như: công tác phân bổ kế hoạch vốn ngân sách địa phương chưa đúng tiến độ, nguyên nhân chính là do các chủ đầu tư còn chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư; tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn còn chậm trễ, vướng mắc kéo dài, làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân; có 19 dự án chuyển tiếp đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn; kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được phân bổ và nhập Tabmis 100% nhưng hiện nay tiến độ giải ngân mới đạt 6,7%, riêng vốn ODA chưa được giải ngân.
Qua kết quả thực hiện đến hết quý I/2022, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân đối với phần kế hoạch vốn nhập Tabmis đạt khá, tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt tiến độ như: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh (3%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6%), Sở Y tế (1%), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (5%), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (0%); huyện Sơn Tịnh (14%); huyện Nghĩa Hành (3%); huyện Sơn Hà (13%).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp nêu trên và các chủ đầu tư chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án, dẫn đến chưa đảm bảo điều kiện giao vốn; yêu cầu các chủ đầu tư phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh trong thời gian đến.
Ông Đặng Văn Minh nêu rõ, đối với các chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch vốn giao năm 2021 thì tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các chủ đầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm; trường hợp đến hết quý II/2022, các chủ đầu tư này vẫn tiếp tục chậm trễ tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, UBND tỉnh sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị.
Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, phải xem công tác giải ngân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2022. Kết quả giải ngân năm 2022 sẽ là tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu.
Yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại tiến độ giải ngân các dự án theo Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 23/2/2022 của UBND tỉnh; trường hợp dự án nào giải ngân chậm trễ thì phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bù giá trị giải ngân trong quý II/2022, đảm bảo đến cuối quý II/2022 tiến độ giải ngân đảm bảo theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chuyên môn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư đối với các dự án khởi công mới để đủ điều kiện trình HĐND tỉnh phân bổ hết kế hoạch vốn còn lại tại kỳ họp giữa năm 2022.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 |
Đối với 19 dự án chuyển tiếp chưa giải ngân, đến ngày 15/6/2022, trường hợp các chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân theo đúng kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án có nhu cầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các chủ đầu tư cần tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư công, thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường để đề ra giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng. Tập trung phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; trường hợp gặp vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay cho UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kịp thời chỉ đạo xử lý. Tăng cường công tác nghiệm thu, quyết toán đối với các dự án hoàn thành, đang làm hồ sơ, thủ tục quyết toán; trường hợp chậm quyết toán theo thời gian quy định, phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
Tỉnh cũng thường xuyên rà soát khả năng thực hiện dự án, kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, tránh trường hợp dồn vốn vào cuối năm mới đề xuất điều chuyển gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.