Đơn giản hóa thủ tục vay vốn với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Đầu tư hạ tầng thông tin
Hạ tầng viễn thông tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (gọi chung là vùng khó khăn) luôn được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND (ngày 14/1/2022) phủ sóng di động, cáp quang tới những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-STTTT (ngày 7/2/2022) về xác định vị trí và hướng tuyến xây dựng cột ăng ten và cáp quang phủ lõm sóng di động, băng rộng cố định vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 57 vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động BTS cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao diện phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh. Hiện đã triển khai được 12 trạm thu phát sóng BTS để phủ sóng di động cho 14 thôn trên địa bàn các xã khó khăn của tỉnh; đầu tư hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho 16/96 thôn.
Người đồng bào dân tộc xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu được hướng dẫn cài phần mềm VssID trên điện thoại di động. Ảnh Hoàng Gái |
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị Công ty Điện lực Quảng Ninh xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải thiện hệ thống lưới điện. Theo đó, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã dành trên 83 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hệ thống lưới điện tại các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái và Hải Hà.
Phát triển kinh tế số
Dựa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật viễn thông, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin, mạng Internet trong đời sống và sản xuất
Anh Phùn Phu Dảu, thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Thông qua mạng và qua zalo người dân chúng tôi đã nắm bắt được nhanh thông tin, chỉ đạo của huyện, của tỉnh và học được nhiều kiến thức trên mạng Intenet có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày”.
Theo thống kế, riêng tại huyện Bình Liêu - nơi có trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mạng thông tin di động công nghệ 3G, 4G đã được triển khai ở hầu hết các khu dân cư. Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 24.000 thiết bị thông minh dùng thẻ SIM di động từ 3G trở lên, đạt khoảng 75% dân số sử dụng.
Sản phẩm OCOP Bình Liêu được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn |
Hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong vùng đang từng bước thích ứng, tham gia vào hoạt động ký tế số như đưa sản phẩm OCOP, hàng hóa đặc sản vùng lên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn… tận dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường không chỉ giới hạn trong huyện, trong tỉnh mà còn trên khắp cả nước, xa hơn là ra nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng đã bắt đầu chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR Code, tài khoản ngân hàng… Đặc biệt, du lịch của vùng cũng đang từng bước phát triển mạnh mẽ, được nhiều du khách biết đến thông qua các video quảng bá trên youtube, tiktok…
Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh với việc triển khai dạy và học trực tuyến; cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa; sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID); triển khai quảng bá văn hóa - du lịch trực tuyến trên các nền tảng thông tin xã hội; thực hiện thông tin, tuyên truyền tăng sự tương tác của chính quyền với cộng đồng dân cư qua các nhóm trên mạng xã hội như facebook, zalo.
Được biết, thời gian tới để tiếp tục “giảm nghèo” thông tin cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi số, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân ở các vùng khó khăn, tăng cường tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và triển khai đăng ký các nội dung chuyển đổi số theo từng giai đoạn tới các cơ quan, đơn vị để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, đơn vị…
Với những kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng, cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân vùng khó khăn sẽ là nền tàng vững chắc để Quảng Ninh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.
Tính đến tháng 9/2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa 70% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với hơn 2,1 triệu tài khoản, tỷ lệ thanh toán đạt 62%... Riêng huyện Cô Tô đã có 100% sản phẩm OCOP đã lên sàn thương mại điện tử. |