CôngThương - Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành gồm có đại điện các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, đại diện Tổng cục Hải quan. Trước khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh và một số huyện, thành phố, thị xã, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra tình hình khai thác- kinh doanh than, bến bãi tiêu thụ than tại nhiều địa phương và các DN.
Qua kiểm tra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương)- Nguyễn Khắc Thọ - thông tin: Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đến nay toàn bộ hoạt động sản xuất- kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt.
Theo đó, năm 2011, các lực lượng chức năng ở Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý 1.608 lượt lò, điểm khai thác than trái phép với tổng kinh phí thực hiện gần 17 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2012, các lực lượng liên ngành đã xử lý 742 lượt lò, điểm khai thác than trái phép với tổng kinh phí thực hiện 5,7 tỷ đồng. Công tác thu gom than trôi nổi đã được chấn chỉnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế do các bên không thỏa thuận được về giá thu mua.
Đồng tình cao với các đánh giá, nhận xét của đoàn kiểm tra liên ngành, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - Đỗ Thông - nhận định, việc quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh than luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền Quảng Ninh coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Sự phối hợp của Quảng Ninh và ngành than trong những năm qua có thể nói rất tốt. Tỉnh cũng xác định, sự phát triển của ngành than có vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.
Đề cập tới những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ cho ngành than, UBND tỉnh đưa ra các kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành. Trong đó, nêu rõ, do tình hình sản xuất giấy, xi măng, đạm… gặp nhiều khó khăn nên lượng than tiêu thụ giảm nhiều. Đặc biệt, giá bán than cho hộ điện chỉ bằng 60% giá thành, dẫn tới ngành than phải bù lỗ trên 8.000 tỷ đồng/năm, ảnh hưởng tới thu ngân sách của địa phương. Vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ có lộ trình tăng giá bán than đối với hộ điện để đảm bảo sự tăng trưởng của ngành than; chỉ đạo các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố giáp ranh với Quảng Ninh, không để tồn tại các bãi tập kết than trái phép, có quy hoạch cảng than ngay tại các hộ sử dụng; sớm sửa đổi Nghị định 59 về việc kinh doanh-khai thác than phải có điều kiện; sớm ban hành thông tư liên bộ để có hình thức xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm sản xuất- kinh doanh than.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương sớm chủ trì phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng sản xuất, trên cơ sở gắn với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương thành lập đoàn công tác, phối hợp với tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất tại Công ty Pt.Vietmindo Energitama, đề xuất các phương án giải quyết tình trạng phức tạp tại khu vực này.
Căn cứ vào công suất, sản lượng của các đơn vị tiêu thụ, Bộ Công Thương chủ trì lập dự trù lượng than tiêu thụ cần thiết, để Tập đoàn Công nghiệp - Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có cơ sở cung cấp. Đối với một số điểm lộ vỉa nhỏ, Chính phủ cho phép địa phương được cấp phép cho các DN trong Vinacomin khai thác, tận thu tài nguyên. Riêng khu vực lòng hồ Yên Lập, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vinacomin tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng nguồn nước, để có cơ sở quyết định cho phép khai thác hoặc dừng sản xuất than tại khu vực rừng phòng hộ Yên Lập.
Được biết, về đề xuất tăng giá bán than cho điện, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Chính phủ tăng 30% giá bán trong năm 2012. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác sản xuất, kinh doanh vận chuyển than trên phạm vi cả nước.