Quảng Ninh: Lan toả hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa
Liên tục tổ chức các sự kiện đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi
Liên tục trong tháng 10 vừa qua, tại Quảng Ninh đã diễn ra 2 Tuần hàng Việt về miền núi.
Theo đó, từ ngày 11-13/10/2024, huyện Ba Chẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến và phát triển Công Thương tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tuần hàng Việt về huyện Ba Chẽ năm 2024.
Tuần hàng Việt về huyện Ba Chẽ năm 2024 có quy mô hơn 30 gian hàng tiêu chuẩn đến từ các doanh nghiệp trong tỉnh. Các mặt hàng bày bán tập trung vào nhóm các sản phẩm OCOP đặc trưng, sản phẩm thủy sản của tỉnh; các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, hàng giày dép, hàng thực phẩm chế biến, các sản phẩm thương mại tổng hợp. Ngoài ra, vào các buổi tối, Ban tổ chức sẽ tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân trong suốt thời gian diễn ra Tuần hàng Việt.
Thông qua Tuần hàng Việt nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp Việt có thể đưa những sản phẩm chất lượng uy tín của mình đến tay người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ.
Tuần hàng Việt về huyện Đầm Hà (Ảnh: Quốc Nghị) |
Ngay sau đó, từ 17-20/10, tại huyện Đầm Hà, Trung tâm Xúc tiến và phát triển Công Thương tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đầm Hà tổ chức khai mạc Tuần hàng Việt về huyện Đầm Hà năm 2024.
Tuần hàng có trên 30 gian hàng của hơn 20 doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh và trên 100 sản phẩm trưng bày, tiêu thụ gồm các sản phẩm OCOP đặc trưng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các mặt hàng tiêu dùng, hàng may mặc, hàng thực phẩm chế biến, các sản phẩm thương mại tổng hợp của một số địa phương ngoài tỉnh.
Tuần hàng Việt là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh; kết nối các sản phẩm hàng Việt và sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại các thị trường trên địa bàn tỉnh; tạo lập chuỗi giá trị ổn định và bền vững giữa nhà sản xuất - đầu mối tiêu thụ - người tiêu dùng; định hướng phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP của Quảng Ninh nói riêng ngày càng gần với người tiêu dùng trên mọi miền đất nước. Đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc sản của huyện Đầm Hà ra thị trường, gây dựng uy tín với người tiêu dùng.
Ghi nhận của ngành Công Thương Quảng Ninh, các tuần hàng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng địa phương, đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng cường doanh số bán hàng, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Đã có nhiều doanh nghiệp tìm được các đơn hàng ổn định sau khi tham gia các sự kiện Tuần hàng Việt được tổ chức thời gian vừa qua.
Đa dạng giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã vận động, kết nối, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản cho các địa phương, tham gia các hoạt động bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, phối hợp tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam...
Sở cũng tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân. Giai đoạn 2019-2024, Sở Công Thương tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ tổ chức trên 120 chương trình xúc tiến thương mại (gồm các hội chợ, hội thảo, triển lãm, phiên chợ hàng Việt, Tuần hàng Việt…) và cung cấp thông tin các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Qua các chương trình này, đã giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiểu thương tại các tỉnh, thành trên cả nước, từ đó nhằm quảng bá, giới thiệu trực tiếp các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đây, người tiêu dùng cũng có thêm các kênh thông tin để nắm bắt, lựa chọn các sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín.
Nhờ việc triển khai sâu rộng, hiệu quả các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nông sản đặc trưng của tỉnh đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến và tin tưởng lựa chọn tiêu dùng. Theo thống kê của Sở Công Thương, đến nay trên 70% người tiêu dùng trong tỉnh đã quan tâm và chuyển sang lựa chọn mua sắm nhiều loại hàng tiêu dùng, thực phẩm do Việt Nam sản xuất.
Thời gian tới, Sở Công Thương Quảng Ninh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2024-2029 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung rà soát và hỗ trợ kết nối sản phẩm OCOP, nông sản Quảng Ninh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia đẩy mạnh phân phối sản phẩm, hàng hóa thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam theo chương trình của Bộ Công Thương.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng máy móc khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng, sản lượng tạo ra các dòng sản phẩm mới bắt kịp với xu thế thị trường... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối cố định, bền vững và hiện đại, ưu tiên đối với hàng Việt Nam như các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, giúp tạo dựng thói quen mua sắm cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt, kết hợp với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trong tỉnh.