Chiều 17/2: Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam- Trung Quốc Xúc tiến thị trường mới cho xuất khẩu hàng hoá |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại luôn được tỉnh Quảng Ninh nói chung và ngành Công Thương của tỉnh nói riêng chú trọng phát triển.
Nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin
Ngay trong tháng 11/2022, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 cho 60 đại biểu là công chức các Sở, ban, ngành của tỉnh; công chức phụ trách lĩnh vực xúc tiến thương mại của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã...
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến về nội dung Quyết định 1968/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh; được giới thiệu chi tiết Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (DECOBIZ) và được hướng dẫn, trực tiếp thực hành tham gia hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại.
Kết thúc lớp tập huấn, Cục Xúc tiến thương mại cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, ứng dụng Hệ thống Quản trị thông tin điều hành xúc tiến thương mại số vào công việc hàng ngày, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc |
Tiếp đó, vào tháng 12/2022, Sở Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc với sự tham gia của trên 130 đại biểu tại điểm cầu trực tuyến TP. Móng Cái; 100 đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến của một số tỉnh, thành phố trong nước và Tham tán thương mại, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh, Quảng Tây, Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tại hội nghị, các đơn vị đã truyền đạt một số nội dung: Giới thiệu hạ tầng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh nói chung và khu dịch vụ cửa khẩu Móng Cái nói riêng; Chia sẻ các quy định chung của Hải quan Trung Quốc đối với mặt hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu trong thời điểm Trung Quốc vẫn đang thực hiện chiến dịch “Zero Covid”; Giải đáp kiến nghị, thắc mắc của đại biểu về các quy định, thủ tục, quy trình triển khai trong trường hợp doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm con đường xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc….
Ngoài ra, nhằm định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cũng thông tin rộng rãi 80 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, trong đó 20 hội nghị giao thương trực tuyến, các chương trình xúc tiến thương mại và hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trên thế giới như: Mexico, Ấn Độ, châu Phi, Trung Quốc, Nam Mỹ, EU... do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức tới doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh biết bằng nhiều hình thức: văn bản, trên Cổng thông tin điện tử thành phần, trang fanpage DDCI của Sở,...; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị đăng ký tham gia khi có nhu cầu.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
Được biết, ngành Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), UBND các địa phương, bưu điện tỉnh, Viettel Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, đưa sản phẩm tham gia phân phối trên các sàn thương mại điện tử cho gần 550 đại biểu là các chủ thể tham gia Chương trình OCOP Quảng Ninh.
Người tiêu dùng trong tỉnh Quảng Ninh đang dần hình thành thói quen mua hàng qua các sàn thương mại điện tử |
Nhờ đó, đến nay, đã có 160/267 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn lên sàn thương mại điện tử Voso.vn; 108/267 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn đã lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 186/267 sản phẩm OCOP Quảng Ninh từ 3 sao trở lên đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh.
Theo số liệu Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 148 website về thương mại điện tử. Trong đó, có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, đã đưa 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao lên các sàn thương mại điện tử. Riêng Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (//teqni.gov.vn) đang giới thiệu 383 sản phẩm OCOP, trong đó có 172/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Để thúc đẩy xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP, sàn thương mại điện tử mới ở địa chỉ: //ocop.com.vn đã được đưa vào chạy thử để hoàn thiện các tính năng thương mại mới.
Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, Bưu điện tỉnh, Viettel Quảng Ninh tổ chức Khu gian hàng thương mại điện tử và Ngân hàng số tại 3 Hội chợ OCOP cấp tỉnh (Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022; Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Đông 2022);
Đồng thời, phối hợp với UBND các địa phương rà soát, giới thiệu và đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hướng dẫn cho 28 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Quảng Ninh tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” của Bộ Công Thương. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho trên 200 tổ chức, cá nhân về quản lý đo lường, nâng cao năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch.
Gian hàng thương mại điện tử được đặt trong các hội chợ OCOP của tỉnh Quảng Ninh |
Bên cạnh đó, hiện nay 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong năm 2022, theo kết quả khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, người dân của Trung tâm hành chính công, 100% phiếu đánh giá rất hài lòng và hài lòng, không có phiếu đánh giá không hài lòng với các thủ tục hành chính được thực hiện qua Trung tâm hành chính công.
Hướng tới mục tiêu phát huy hiệu quả nhất công nghệ số
Được biết, trong năm 2023, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ bám sát tình hình triển khai Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để kịp thời tham mưu triển khai hệ thống dữ liệu xúc tiến thương mại của tỉnh Quảng Ninh đủ tiêu chuẩn kết nối dữ liệu với hệ sinh thái xúc tiến thương mại.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thông qua các hội nghị tập huấn, trong đó tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số.
Khu gian hàng thương mại điện tử và Ngân hàng số tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Đông 2022 |
Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Ngay khi Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh được cập nhật, nâng cấp và đi vào hoạt động, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh theo 2 hình thức song song: trực tiếp tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh và trực tuyến trên nền tảng của Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh. “Trước mắt, trong năm 2023, sẽ tổ chức 01 hội chợ theo phương thức trên” - bà Thương cho biết.
Năm 2022 doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 7,9 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá. |