Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Doanh số giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp – người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử...
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử |
Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ chú trọng phát triển và hoàn thiện hạ tầng TMĐT trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng. Ngoài ra, các sản phẩm, giải pháp TMĐT cũng sẽ được chú trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể triển khai, đặc biệt, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất thông qua các chương trình như: Phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch TMĐT.
Dự kiến mỗi năm tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán TMĐT trên trang website… Đồng thời, mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng.
Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức khóa tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Ảnh BQN) |
Ngoài ra, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh (teqni.gov.vn) sẽ được nâng cấp và bổ sung nhiều tính năng mới, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng Internet. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ có 350-400 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều sự kiện về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm qua môi trường internet được tỉnh tổ chức như: Tuần bán hàng trực tuyến, Phiên chợ trực tuyến… nhằm đẩy mạnh hoạt động TMĐT trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Không những thế, tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương trong việc kết nối Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Quảng Ninh với các Sàn TMĐT của các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực TMĐT và Sàn giao dịch TMĐT…
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thông tin tuyên truyền về TMĐT, thông tin về chính sách, cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đặc biệt là tiềm năng xuất khẩu của địa phương và danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua trang thông tin điện tử thành phần Sở Công Thương và trang tin Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh. Thêm vào đó, tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT, đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công. Triển khai các ứng dụng, sử dụng giải pháp phần mềm quản lý trực tuyến đối với các hoạt động quản lý nhà nước về TMĐT.
Tin rằng, với những giải pháp trên, TMĐT tại tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh có thị trường TMĐT phát triển trong tốp đầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhờ đó, TMĐT cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân trong tỉnh Quảng Ninh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung.