CôngThương - Đây được xem là một động thái gây bất ngờ mạnh mẽ đối với giới đầu tư, nhưng S&P cũng nhận định, Nhật Bản ít có nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ kiểu Hy Lạp.
Theo báo cáo tín nhiệm nợ công của S&P vừa công bố, xếp hạng nợ quốc gia dài hạn của Tokyo bị giảm 1 bậc, xuống còn AA-. Một trong những nguyên nhân của việc đánh tụt điểm tín nhiệm nợ này, theo S&P là do các nhà lãnh đạo của Nhật không có chiến lược rõ ràng trong việc giải quyết những thách thức ngày càng lớn về tài khóa.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản bị cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công kể từ tháng 4/2002 tới nay. Với điểm số hiện nay, nợ công của Nhật đang được đánh giá ngang bằng về độ tín nhiệm với nợ công của Trung Quốc - nước mới đây đã vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Việc cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công của Nhật Bản phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng, tỷ lệ nợ công của Nhật - vốn đã ở mức cao nhất trong số các quốc gia được đánh giá - sẽ còn tăng nhanh hơn so với những gì chúng tôi đã dự báo trước khi suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến nước này, và sẽ chỉ đạt đỉnh vào giữa thập niên 2020”, tờ Wall Street Journal dẫn báo cáo của S&P.
Theo Wall Street Journal, bức tranh nợ công của Nhật Bản có thể xem là bất thường. Hiện nợ công của nước này đã tương đương gần 200% GDP, lớn hơn nhiều so với ở các nước châu Âu.
Tuy nhiên, phần lớn số nợ này lại nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước, nên Nhật Bản có thể tránh được tác động bất lợi từ những biến động thất thường của thị trường tài chính thế giới. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, việc S&P cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công của Nhật sẽ không có nhiều tác động xấu tới tình hình tài khóa của nước này.
S&P cũng khẳng định, triển vọng đối với trái phiếu chính phủ Nhật hiện ổn định, xét tới cán cân thanh toán quốc tế mạnh, sự linh hoạt nhờ vai trò quốc tế của đồng Yên, và dự trữ ngoại hối hơn 1 nghìn tỷ USD, lớn thứ hai thế giới của nước này.
Mặc dù vậy, Wall Street Journal cho biết, điều mà giới quan sát lo ngại là liệu Nhật Bản còn “trụ” được với mức nợ công trên tới khi nào. Các nhà hoạch định chính sách của nước này chưa hề tỏ thái độ cho thấy họ muốn kết thúc thói quen vay nợ.
Chính phủ Nhật đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là cắt giảm chi tiêu, một bên là tăng thuế, hoặc kết hợp cả hai biện pháp này. Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã thúc đẩy một kế hoạch cải cách thuế, nhưng S&P nghi ngờ về khả năng Tokyo có thể đi đến những chính sách cụ thể giúp giảm khối lượng nợ công khổng lồ.
Do ít phụ thuộc vào giới đầu tư trái phiếu quốc tế, nên Chính phủ Nhật được cho là sẽ chỉ gặp thách thức trong vấn đề vay nợ khi các nhà đầu tư trong nước không còn mặn mà với trái phiếu do Tokyo phát hành. Xu hướng này có vẻ như tất yếu sẽ xảy ra, nhưng sẽ không xảy ra sớm.
Từ đầu thập niên 1990, khi ngân sách Chính phủ Nhật chuyển trạng thái từ thặng dư sang thâm hụt, Tokyo đã bù đắp cho khoản thâm hụt này bằng cách phát hành trái phiếu để vay nợ, chủ yếu từ nguồn tiền tiết kiệm nội địa lên tới 17 nghìn tỷ USD trong nước.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ), chỉ 6,4% dư nợ trái phiếu chính phủ Nhật được nắm giữ bên ngoài biên giới nước này. Nhờ đó, việc đảo nợ cũng được thực hiện dễ dàng mà không phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu trên thị trường quốc tế.
Do vậy, điểm tín nhiệm nợ công đối với Nhật Bản chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng, ít có khả năng làm các nhà đầu tư tổ chức ở Nhật trở nên dè chừng với loại tài sản này. Đối với các nhà đầu tư này, trái phiếu chính phủ Nhật vẫn hấp dẫn, đặc biệt là khi tình trạng giảm phát ở Nhật làm gia tăng mức lợi nhuận thực tế của kênh đầu tư này.
Nhưng trong những năm tới, Chính phủ Nhật có thể gặp một số khó khăn trong việc vay vốn. Chi tiêu công có khả năng tăng mạnh hơn, khi mà dân số lão hóa dẫn tới khoản chi lớn hơn cho lương hưu, chăm sóc y tế và các chế độ phúc lợi khác.
Cùng với đó, lượng tiền tiết kiệm nội địa - nguồn vốn để mua trái phiếu chính phủ Nhật - sẽ giảm dần cùng với sự gia tăng của số người nghỉ hưu và sự giảm sút của số người làm việc. Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố năm 2010 cho thấy, nợ công của Nhật có thể vượt tổng tài sản tài chính của các hộ gia đình nước này vào năm 2015.
Bởi vậy, trong trường hợp Nhật Bản phải huy động vốn từ thị trường quốc tế, điểm tín nhiệm sa sút của nước này sẽ buộc Tokyo phải trả mức lãi suất cao hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp đó, lãi suất vay nợ chính phủ cao sẽ kéo theo mức lãi suất mà các công ty và người tiêu dùng Nhật phải trả.
Đó sẽ là lúc mà điểm tín nhiệm nợ công sẽ có tác động mạnh hơn tới nước Nhật, thay vì hầu như không có ảnh hưởng gì như hiện nay.