Nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững- Bài 3: Thay đổi từ tư duy, nhận thức Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng thứ ba thế giới |
Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, năm 2022, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại Canada như nhóm sản phẩm chè, cà phê và gia vị có mức tăng đột biến so với năm 2021.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững đóng vai trò rất quan trọng để các mặt hàng của Việt Nam như quế có thể thâm nhập thị trường toàn cầu |
Riêng mặt hàng quế, trong năm qua, các siêu thị lớn của Canada như Costco, Walmart đã nhập khá nhiều quế Việt Nam với kim ngạch 8,6 triệu USD, tăng 43,3% so với năm 2021.
Với đà tăng trưởng mạnh như trên, quế Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần quế tại Canada trong những năm tới.
Hiện, Canada là nước có mức tiêu dùng cao, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao, đạt 17,5% trong năm 2022. Với những ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Canada đang ngày càng quan tâm và nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Trong chiến lược mua hàng của Canada, Việt Nam đang nổi lên nhờ yếu tố ổn định, có thể dự báo và giá cả phù hợp.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng, năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD. Dự kiến, năm 2022, giá trị xuất khẩu quế hồi đạt khoảng 276 triệu USD.
Thị trường chủ yếu của quế Việt Nam là Ấn Độ và Mỹ. Giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này lần lượt là 90,7 triệu USD và 54,2 triệu USD. Đến nay, tổng diện tích quế cả nước khoảng gần 170.000ha.
Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng thứ ba trên toàn thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, quế được trồng tập trung ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái và Quảng Nam. Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900 nghìn - 1,2 triệu tấn.