Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Pháp còn rất lớn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, chúc Tết tại tỉnh Lào Cai |
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ luôn phối hợp, đồng hành với Chính phủ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, hoạt động giám sát. qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, “nút thắt” về thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau cao điểm phòng chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ luôn phối hợp, đồng hành với Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, "nút thắt" về thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau cao điểm phòng chống dịch COVID-19 |
Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Quốc hội, sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ trong năm 2022 và thời gian tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2022, mặc dù đất nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới và từ cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đáo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, năm 2022 kinh tế-xã hội đất nước ta đã tiếp tục đà phục hồi, phát triển và tạo nền tảng quan trọng cho năm 2023, năm bản lề của nhiệm kỳ 2021- 2026.
Trong năm 2022, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và mỗi đại biểu Quốc hội đã tích cực, nỗ lực, đoàn kết, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy lùi dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Mỗi chương trình, kế hoạch hoạt động của Quốc hội đều được UBTVQH, các cơ quan hữu quan chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng trên cơ sở phát huy trí tuệ của đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia hàng đầu ở trong và ngoài nước.
Kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Sau khoảng 1 năm triển khai, đã có 81/137 nhiệm vụ lập pháp hoàn thành nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu, xây dựng mới (đạt 59,12% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ); đặc biệt đã có 37/81 nhiệm vụ lập pháp được Quốc hội, UBTVQH ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt trong công tác lập pháp, kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.
Theo đó, Quốc hội, UBTVQH đã kịp thời ban hành các nghị quyết như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 (được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ nhất) về các giải pháp cấp bách trong phòng, chống đại dịch COVID-19; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước;..
Đặc biệt, Quốc hội đã tổ chức thành công 2 kỳ họp bất thường.Việc tổ chức các kỳ họp bất thường tuy đã được luật định nhưng chỉ đặt ra đối với các vấn đề thực sự cấp thiết, đột xuất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chín muồi, có sự đồng thuận, thống nhất cao.
Việc Quốc hội tổ chức thành công 2 kỳ họp bất thường có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đã xem xét, quyết định được những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống; khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân.
Đặc biệt, kỳ họp bất thường lần thứ nhất ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022 đã góp phần giải quyết kịp thời, cấp bách 2 nhiệm vụ song song, đó là vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch COVID-19 và vừa phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội, không chỉ đáp ứng cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, đánh giá cao; đặc biệt là gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế 360.000 tỷ đồng (tương ứng hơn 8% GDP) và việc Quốc hội ban hành 1 luật sửa đổi 8 luật,... thực sự là nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Năm 2022 cũng đánh dấu Quốc hội ngày càng đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách làm trong công tác giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH cũng có nhiều đổi mới.
Theo đó, công tác giám sát không nhất thiết nhằm hậu kiểm các vấn đề chất vấn mà còn bao gồm những vấn đề đang diễn ra như nội dung giám sát tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 hoặc tập trung giám sát việc thực hiện các vấn đề khó, phức tạp như giám sát tối cao thực hiện pháp luật về quy hoạch để giúp Chính phủ kịp thời tháo gỡ vướng mắc trực tiếp trước mắt, đưa ra những định hướng lâu dài và tạo được sự đồng thuận trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương về công tác quy hoạch.
Hoạt động giám sát chuyên đề được chú trọng, có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện và phương pháp giám sát, huy động nhiều chủ thể tham gia giám sát (đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội...) nhằm bảo đảm luận chứng, luận cứ đối với vấn đề giám sát, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.
"Những kết quả đạt được của năm 2022 tiếp tục khẳng định sự nỗ lực đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự ủng hộ của mạng lưới chuyên gia, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; xây dựng hình ảnh, vị thế Quốc hội khi các hoạt động ngày càng đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri và nhân dân, đồng thời giải quyết đúng và trúng nhiều vấn đề nổi cộm của cuộc sống", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh Quốc hội khóa XV đã và đang có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác lập pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới cơ chế quản lý, cơ cấu lại nền kinh tế…
Quốc hội đã có nhiều sáng kiến, đề xuất đổi mới hoạt động lập pháp với những nội dung chưa từng có trong tiền lệ hoạt động của Quốc hội. Điều này thể hiện ở việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất để ủy quyền, giao UBTVQH, Chính phủ quyết định nhiều nội dung quan trọng chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa trong xây dựng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan, tổ chức hữu quan từ sớm, ngay từ khi lập đề nghị đưa vào Chương trình cũng như trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua.
Trên cơ sở những thí điểm đổi mới đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả thực tế trong thời gian vừa qua về cách thức tổ chức phiên họp, kỳ họp, cung cấp tài liệu,.. Quốc hội đã thông qua Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); UBTVQH đã sửa đổi Quy chế làm việc để tiếp tục nâng cao chất lượng thảo luận, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền trên tinh thần quán triệt các yêu cầu của Đảng về: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội"; "Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững" đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra và tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Qua đó đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân về một Quốc hội hành động, đồng hành với Chính phủ, lập pháp vì sự phát triển.
Tạo lập khung khổ pháp lý kịp thời, có chất lượng, đồng bộ
Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội sẽ phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 77 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, vị trí trong việc tạo lập khung khổ pháp lý kịp thời, có chất lượng, đồng bộ cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi.
Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách Nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy Nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia.
Tập trung lãnh đạo việc tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động, lề lối làm việc của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH. Đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội theo hướng giảm thời gian họp phiên toàn thể; chia kỳ họp thành các đợt với hình thức họp phù hợp theo tính chất, nội dung và điều kiện thực tế. Đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao.
Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; xây dựng Đề án về phương hướng nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Trong triển khai nhiệm vụ năm 2023 và thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ luôn phối hợp, đồng hành với Chính phủ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; hoạt động giám sát; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, "nút thắt" về thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau cao điểm phòng chống dịch COVID-19./.