CôngThương - Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn thứ 2 cả nước. Hiện ở Hải Phòng có trên 2.000 doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa với trên 25.000 phương tiện. Trong đó có 1.036 DN vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo container với 6.460 xe...
Ông Lê Văn Tiến- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng- cho rằng - Thông tư 197/2012/TT/- BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện cần được sửa đổi và đây cũng là ý kiến của tất cả các DN vận tải Hải Phòng tại Hội thảo “Bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN vận tải khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ và lập trạm cân kiểm tra tải trọng xe…”. Nếu thu phí theo tháng với các phương tiện kinh doanh vận tải sẽ tạo điều kiện cho DN được sử dụng nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không thu phí rơ-moóc- sơmi rơ-moóc riêng biệt mà tính chung phí vào đầu kéo vì đầu kéo và sơ mi rơ-moóc là một tổ hợp. Quy định tách tổ hợp xe thành hai thiết bị riêng biệt để đánh phí là hoàn toàn không phù hợp và tạo gánh nặng lớn cho các DN vận tải. Cũng theo ông Tiến, thực hiện Nghị định 18/2012/NĐ- CP và Thông tư 197, bản thân các DN vận tải đã nộp phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm. Khi lưu thông trên các tuyến đường có các trạm thu phí lại phải nộp thêm phí, mỗi năm, các DN vận tải đóng góp tới gần 200 tỷ đồng để nộp phí qua hai trạm thu phí trên quốc lộ 5…
Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: Đa phần các DN vận tải đều ủng hộ việc kiểm soát tải trọng xe và xử lý xe quá tải nhằm đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ; hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các cảng, chủ hàng, DN vận tải; hạn chế sự xuống cấp cầu đường và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ… |
Ông Đặng Thế Phương- Giám đốc Công ty CP giao nhận vận tải Phương Lâm- cho rằng, việc thiết lập các trạm cân vừa qua của Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các DN vận tải hoàn toàn ủng hộ vì đây là vấn đề kiểm soát tải trọng xe để giữ cấp đường bộ và giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều bất cập vì những quy định của nhà nước về tải trọng cho phép được chở của rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc khi đăng kiểm thấp hơn tải trọng thiết kế. Do đặc thù hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đóng trong container, nhất là thiết bị máy móc, nên tải trọng phân bố không đều. Với những loại hàng hóa xuất sang nước thứ 3 kẹp nguyên chì sẽ rất khó trong việc tháo rời mà cần có hải quan giám sát…
Theo kiến nghị của các DN vận tải, việc áp dụng thu phí bảo trì đường bộ theo quy định của Nghị định số: 18/2012/ NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ sẽ dẫn tới hàng loạt DN vận tải không thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thì phải dỡ bỏ các trạm thu phí B.O.T… Như vậy mới tạo được tính minh bạch và để các DN vận tải có cơ hội hoạt động trở lại như những năm trước đây.