Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Bình về việc tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình phối hợp với các ngành liên quan và địa phương đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của các CCN trên địa bàn…
Đến nay, trong tổng số 14 CCN được phê duyệt quy hoạch có 7 CCN đã triển khai xây dựng, thu hút được 170 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.950 tỷ đồng, trong đó có 154 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện là 756,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.368 lao động, 16 dự án đang triển khai xây dựng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Ninh Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án với diện tích 14,32 ha, tổng vốn đăng ký 629,5 tỷ đồng …
Có thể nói, CCN của Ninh Bình đã và đang góp phần trong việc thu hút các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung (làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân); phát triển nghề truyền thống (nghề cói ở CCN Đồng Hướng, nghề gỗ mỹ nghệ ở cụm làng nghề Ninh Phong)... Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển CCN đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Điển hình như CCN Ninh Phong, CCN Ninh Vân... đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%, thu hút được 144 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư vào các lĩnh vực: Chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất đồ mỹ nghệ, chế biến lâm sản và kinh doanh đồ gỗ, sản xuất cơ khí, may trang phục..., giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch CCN ở Ninh Bình đã phát sinh những bất cập như: Một số CCN đã được quy hoạch nhưng rất khó thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và cơ sở sản, xuất kinh doanh. Trong khi đó, nhiều CCN chưa quy hoạch nhưng lại có nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư.
Mặt khác, một số CCN đã được quy hoạch, hình thành từ trước năm 2005, nhưng đến nay chưa có CCN nào được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng (đường nội bộ; cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; nhà quản lý điều hành, công trình bảo vệ...).
Việc thu hút doanh nghiêp đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN gặp rất nhiều nhó khăn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được doanh nghiệp nào đầu tư, kinh doanh hạ tầng CCN. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh. Mặt khác do đây là lĩnh vực kinh doanh mới, nguồn vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm... nên hầu hết các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư vào CCN... Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với CCN cũng còn một số hạn chế như: Theo quy định tại Quyết định 105/2009/QĐ-TTG, để quản lý CCN có thể lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng CCN hoặc thành lập Trung tâm phát triển CCN. Tuy nhiên, trên địa bàn Ninh Bình lâu nay chưa hình thành các mô hình trên. UBND cấp huyện đang thực hiện nhiệm vụ tương tự Trung tâm phát triển CCN, việc triển khai đầu tư xây dựng CCN, quản lý hoạt động CCN giao cho các phòng chuyên môn khác nhau thực hiện nên thiếu sự đồng bộ trong quản lý...
Để khắc phục những hạn chế đó, theo đề nghị của Sở Công Thương, tháng 6/2015, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Trung tâm đầu tư phát triển CCN trực thuộc Sở Công Thương. Theo đó, Trung tâm làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng, giúp UBND tỉnh, Sở Công Thương thực hiện công tác thu hút đầu tư phát triển.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Công Thương xây dựng Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương được giao xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý phát triển CCN thay thế cho Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg sẽ là cơ sở quan trọng giúp các địa phương, trong đó có Ninh Bình, tăng cường công tác quản lý, phát triển các CCN.
Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN theo Quyết định số 40/20015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 về việc Ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020. |