Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam |
Kiểm soát tốt chất lượng
Gắn bó với hoạt động XNK rau quả nhiều năm nay, ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao cho biết: Hiện nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc là thị trường XK rau quả lớn nhất trong nhiều năm qua. Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... là các thị trường giàu tiềm năng, có nhu cầu lớn và đang có xu hướng chuyển sang đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam. “Kim ngạch XK rau quả hiện có thể nói đã đạt con số ấn tượng, tuy nhiên vẫn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Theo quan điểm của bản thân tôi, nếu chúng ta tập trung kiểm soát tốt được đầu vào (cả về mặt số lượng và chất lượng) thì hoàn toàn có thể XK rau quả với số lượng gấp 5, thậm chí gấp 10 lần hiện nay trong thời gian gần”, ông Khuê nói.
Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị XK rau quả đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm, rau quả chủ yếu xuất sang những thị trường lớn bao gồm Trung Quốc (70,4%), Hàn Quốc (3,6%), Hoa Kỳ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%). Dự kiến cả năm nay, XK rau quả sẽ đạt mức khá cao khoảng 2,5-2,6 tỷ USD. (Nguồn: Theo Bộ NN&PTNT) |
Đưa ra dự kiến dè dặt hơn ông Đinh Cao Khuê, chuyên gia nông nghiệp Đào Thế Anh nhìn nhận: Kim ngạch XK rau quả đạt được hiện nay hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế, XK rau quả có thể sớm nâng lên mức 5 tỷ USD/năm nếu giải quyết thấu đáo các điểm yếu còn tồn tại.
Ngoài kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đứng từ góc độ DN trực tiếp tham gia sản xuất, XK rau quả, ông Khuê kiến nghị, muốn tiếp cận tốt thị trường XK, Việt Nam phải đẩy mạnh khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế như: Anuga (Đức), Sial (Pháp), Moscow (Nga), Foodex (Nhập Bản)... Qua các hội chợ lớn, DN Việt có thể gặp gỡ khách hàng toàn cầu, đồng thời nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từng khu vực. Việc xây dựng hình ảnh Việt Nam ở các hội chợ nói chung rất cần thiết, phải xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm xứng tầm quốc tế, nâng cao chất lượng và cách thức phục vụ, giới thiệu sản phẩm...
Vùng nguyên liệu gắn nhà máy chế biến
Nhiều năm nay, vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu cũng như khâu chế biến của ngành rau quả vẫn được đánh giá còn bất ổn. Một số chuyên gia cho rằng, sản xuất rau quả đa số nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ, ngăn cản quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và quản lý dịch bệnh.
Trước đây, trong quá trình quy hoạch, thành lập các trung tâm chế biến rau quả, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến XK chưa được rõ nét, thiếu sự ổn định, dẫn đến các trung tâm chế biến hoạt động không hiệu quả do không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Ngoài ra, việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến XK ở một số địa phương còn thiếu tính ổn định, quy hoạch chưa gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thực tế đã có tình trạng DN bỏ rất nhiều tiền đầu tư xây dựng nhà máy, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu được một thời gian ổn định thì địa phương lại thay đổi quy hoạch, chuyển sang phát triển công nghiệp trên vùng nguyên liệu đã quy hoạch trước đó.
Về vấn đề này, ông Đinh Cao Khuê thông tin thêm: Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được công nghiệp chế biến tập trung không nhiều. Ví dụ, ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao (Ninh Bình), vùng dứa Lào Cai. Tổng diện tích cả hai vùng khoảng 5.000ha, với sản lượng khoảng 70.000 tấn mỗi năm, trong đó có đến 50% sản lượng là để tiêu thụ tươi trong nước và chỉ có 50% phục vụ nguyên liệu chế biến XK. Vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) sản lượng tương đối nhiều, nhưng thời gian thu hoạch và chế biến cũng chỉ được khoảng 1,5 tháng. Các vùng quả đặc sản như cam ở Hà Giang, Hàm Yên (Tuyên Quang), Cao Phong (Hòa Bình), Lục Ngạn (Bắc Giang) hầu như cũng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn tươi trong nước.
Thực tế một số vùng ở nước ta còn nhiều vùng có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến XK, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các cây trồng hiện tại như: Các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Lai có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật, ngô ngọt, ngô rau, đậu tương rau, rau chân vịt, hồ tiêu với số lượng rất lớn. Đây đều là các sản phẩm thị trường thế giới đang có nhu cầu. Các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… thích hợp để quy hoạch phát triển các vùng trồng dứa thay thế cho diện tích cây cao su đang kém hiệu quả.
“Tôi cho rằng, cần tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau qủa gắn liền với các nhà máy chế biến. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu không bị giới hạn trong một vùng lãnh thổ nào, mà phải quy hoạch đồng bộ cả một vùng rộng lớn. Ví dụ như ở Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao, để duy trì đủ nguyên liệu phục vụ chế biến XK thì ngoài vùng nguyên liệu quy hoạch tại Ninh Bình, chúng tôi phải liên kết sản xuất hàng chục nghìn ha vùng nguyên liệu ở các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang…”, ông Khuê nói.
Theo một số chuyên gia, ngoài vùng nguyên liệu, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy, trung tâm chế biến cũng cần chú trọng hơn nữa theo hướng sử dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại và phải đồng bộ có cả chế biến đồ hộp, chế biến nước quả, nước quả cô đặc, chế biến đông lạnh và sấy khô. Bởi chỉ có sự đồng bộ mới có được sự hỗ trợ hiệu quả từ các dây chuyền sản xuất với nhau, đa dạng hóa được sản phẩm sản xuất và có cơ hội chế biến được nhiều loại nguyên liệu trong vùng.