Rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương nhiều lần cảnh báo
Nhanh chóng vào cuộc
Nông sản là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu nổi trội của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2022, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, với tổng kim ngạch đạt hơn 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nông sản Việt Nam đã khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường lớn, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nào cũng tuân thủ tập quán buôn bán quốc tế và có nghiệp vụ ngoại thương tốt, không ít trường hợp đã phải chịu thiệt hại khá nặng nề vì không tìm hiểu, xác minh đối tác kỹ lưỡng, cũng như đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ.
Để hạn chế tối đa những rủi ro trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi phức tạp, mới đây, ngày 30/4/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản 2752/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Công Thương tham khảo thông tin báo chí phản ánh về việc giao thương quốc tế, lừa đảo xuất khẩu nông sản, để nghiên cứu, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong thương mại quốc tế.
Trên thực tế, từ trước tới nay, song song với việc thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam, tại các hội thảo hợp tác kinh tế hoặc diễn đàn giao thương, các cơ quan chức năng Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trong những trường hợp đã ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh đó. Việc xác minh có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua các cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn.
Hạt điều là mặt hàng bị lừa đảo khi xuất khẩu vào đầu năm 2022 |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italia trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Italia còn hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italia để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.
Trong vụ việc này, do các doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng xuất khẩu với một số khách hàng Italia thông qua Công ty Môi giới Kim Hạnh Việt - một công ty môi giới của Việt kiều ở Mỹ, nên Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công Thương) cũng liên hệ với công ty môi giới các hợp đồng mua bán hạt điều , đề nghị cung cấp thông tin và tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh (bên tay phải từ thứ 2 sang) làm việc với hãng tàu Cosco về vụ 100 container hạt điều xuất sang Italia có dấu hiệu bị lừa đảo (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Italia) |
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn có công hàm gửi Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, cử cán bộ đến làm việc với Đại sứ quán, đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để giải quyết vụ việc.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italia đề nghị các Bộ trưởng của Italia quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Italia.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn việc nhóm lừa đảo có thể lấy được chứng từ gốc và lấy được hàng. Ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Italia - tới thời điểm này, nhóm lừa đảo không thể lấy được 1 container hạt điều nào của Việt Nam, đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam không mất một container hạt điều nào.
Thương vụ Việt Nam tại Italia trực tiếp làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu100 container hạt điều sang Italia không bị mất trắng (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Italia cung cấp) |
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, Cơ quan Thương vụ Việt Nam vào cuộc để đi "đòi hàng", "đòi tiền" cho các doanh nghiệp khi gặp những rủi ro trong xuất khẩu. Vào tháng 7/2021, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan tiếp nhận thư "cầu cứu" của doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng xuất khẩu chè sang Pakistan, mặc dù hàng cập cảng nhiều tháng nhưng vẫn chưa được thanh toán. Ngay khi tiếp nhận thư, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan, Bộ phận Thương vụ cũng nhanh chóng làm việc ngay với lãnh đạo Hải quan cảng Karachi ở Pakistan, tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến quyền lợi của chính doanh nghiệp mình.
Hay trước đó vào năm 2019, một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị lừa gần 1,5 tỉ đồng khi bán hàng cho một đối tác ở Senegal (châu Phi) do liên quan đến hình thức thanh toán CAD (trao chứng từ trả tiền ngay) 100% thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi giao hàng, người mua nhận được bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng gần 2 tháng nhưng không thanh toán. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được và đã gửi thư đến Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal nhờ hỗ trợ đòi tiền...
Cần chủ động "phòng hơn chống"
Ông Nguyễn Đức Thanh chia sẻ, để xảy ra vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia vừa qua, đó là do doanh nghiệp Việt quá tin vào công ty môi giới. Tất cả 6 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đều ký qua môi giới, không biết khách hàng ở nước ngoài là ai, không gặp và cũng không liên hệ trực tiếp, đến khi "sự đã rồi" mới đến gặp Thương vụ để xác minh, kiểm tra.
Xác minh đối tác chưa kỹ, nghiệp vụ ngoại thương cũng chưa tốt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn "hớ hênh" trong khâu phương thức thanh toán. Theo đó, đa phần doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản ưa thích áp dụng phương thức D/P – tức là giao chứng từ để nhận tiền. Với phương thức này có sự tham gia của ngân hàng người mua và ngân hàng người bán - là những cơ quan trung gian và giúp khống chế bộ chứng từ trước khi chuyển giao cho người bán. Đây chính là "kẽ hở" tạo nên các hành vi lừa đảo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc ký hợp đồng, hình thức thanh toán D/P là phương thức quốc tế; vấn đề là áp dụng cho khách hàng nào, thực hiện ra sao? "Cần yêu cầu đối tác đặt cọc 10 - 30% giá trị hợp đồng. Khi có tiền chuyển đặt cọc, doanh nghiệp mới bắt đầu tiến hành sản xuất, thu gom" - ông Nguyễn Đức Thanh khuyến nghị.
Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào các FTA thế hệ mới do đó bên cạnh chủ động ứng phó với các hàng rào thương mại trá hình thì việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo là hết sức cần thiết. Để giảm thiểu rủi ro, lừa đảo trong xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài lưu ý, các doanh nghiệp cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán; cần xác minh tìm hiểu đối tác kinh doanh. Chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật cho nguồn nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
"Nếu không đủ điều kiện thuê tư vấn, 2 - 3 doanh nghiệp có thể tập hợp lại, thuê chung 1 tư vấn cho quá trình kết nối, đàm phán, giao dịch và thực hiện hợp đồng" - ông Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hết sức cảnh giác giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau; mà nên tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, hạn chế thanh toán đặt cọc trước cho đối tác, không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ); D/P trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, nên áp dụng hình thức thanh toán an toàn hơn như tín dụng thư không hủy ngang, bảo lãnh ngân hàng.