Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ngành CNHT của Việt Nam đang rất kém phát triển. Điều này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam, làm giảm sức hấp dẫn môi trường đầu tư. Thực tế, hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài còn ít, do phần lớn doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp nhỏ, quy mô sản xuất bé, sản xuất ra các sản phẩm với hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, tuy Việt Nam có nhiều thuận lợi về nguồn nhân lực như lao động trẻ, dồi dào, tuy nhiên đối với CNHT thì nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn mới là quyết định.
Mặc dù, các chính sách phát triển CNHT tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ và cho thấy, Chính phủ đã nhận thấy được tầm quan trọng của ngành CNHT. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách này. Đặc biệt là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất CNHT, phát triển nguồn nhân lực.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp
Cho đến thời điểm hiện nay, cả nước mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp thuộc ngành CNHT sản xuất ô tô trên tổng số 12.000 doanh nghiệp CNHT cả nước, chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. 90% số các nhà cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ mới có một số doanh nghiệp trong nước tham gia mạng lưới cung ứng cho sản xuất và lắp ráp ô tô. Vì vậy, để phát triển ngành CNHT sản xuất ô tô ở Việt Nam cần rà soát, xây dựng một chiến lược phát triển CNHT thật tốt, cần phải nghiên cứu, thiết kế chiến lược bám sát với chuỗi giá trị sản xuất ngành ô tô. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Có chính sách thu hút để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn của chuỗi đó thì mức độ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh hơn. Đồng thời, tăng cường đầu tư liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô cho các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, chi phí, giao hàng để đảm bảo chúng ta có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Quy mô nhỏ của doanh nghiệp Việt Nam đang là thách thức lớn đối với ngành CNHT hiện nay. Trong thời gian qua, Việt Nam tập trung nhiều vào gia tăng số lượng doanh nghiệp mới hơn là tăng cường năng lực, quy mô cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp có quy mô vừa, 2% doanh nghiệp có quy mô lớn. Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc di chuyển lên chuỗi giá trị cho nên đã tạo ra hai tầng doanh nghiệp hoạt động tách biệt: doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Do đó, Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống các nhà cung cấp chuyên nghiệp nguyên liệu, cụm linh kiện và phụ tùng. Các nhà cung cấp - doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước thiếu năng lực cung ứng đúng số lượng và chất lượng cần thiết cho các khách hàng mua lớn, các nhà lắp ráp lớn. Chưa kể, ở trong nước các doanh nghiệp cung ứng và các doanh nghiệp lắp ráp, các nhà thầu chính không kết nối được với nhau do những nguyên nhân như thiếu thông tin, chất lượng, số lượng, giá cả, thời gian giao hàng... Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp CNHT trong khu vực và trên thế giới cần tăng cường vai trò của các cơ quan nước, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu; nhận thức của các doanh nghiệp CNHT; vai trò của các hiệp hội ngành hàng; vai trò của các cơ quan hỗ trợ tài chính, quỹ đổi mới công nghệ…
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
Hiện nay, ngành CNHT đã trở thành vấn đề trọng tâm, được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm. Đồng thời, đã có nhiều chuyển biến đáng kể trong nhận thức cũng như trong hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Khả năng nội địa hóa trong một số ngành đã gia tăng, như công nghiệp xe máy đã đạt đến 90%. Tuy nhiên, trong đại đa số các ngành khác, tỷ lệ cung ứng trong nội địa còn rất thấp. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các cơ quan hỗ trợ, nhưng nhìn chung trình độ phát triển CNHT của Việt Nam còn kém xa so với kỳ vọng.
Vì vậy, cần xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển CNHT. Trong đó, cần làm rõ chính sách ưu đãi doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất phụ trợ, liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, ưu đãi giá thuê đất, thuế…, cũng như các trợ giúp gián tiếp thông qua các khóa đào tạo về nhân lực. Các chính sách trợ giúp gián tiếp cũng có thể liên quan đến các biện pháp tăng cường liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp các ngành khác nhau, các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam có hướng hợp tác với nước ngoài để trở thành những nhà máy vệ tinh cũng như các doanh nghiệp FDI sẵn sàng đứng ra thu nhận các doanh nghiệp Việt Nam trở thành vệ tinh.