Sản phẩm của Tổng công ty may 10 đã xuất khẩu ra các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản…
CôngThương - Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước mà còn dần thay thế hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu…
Nhiều hỗ trợ cho DN
Thành phố đã có nhiều biện pháp, bước đi cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN như ban hành văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ DN về ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố, Cục Thuế với DN được tổ chức thường xuyên nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, nhất là đối với sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Hàng năm, thành phố đều tiến hành đánh giá xét chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, được tạo ra trên dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ ngang tầm khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, đảm bảo năng lực sản xuất và môi trường bền vững.
Để các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ổn định hơn nữa trong sản xuất - kinh doanh, Hà Nội đã tiến hành xác định đơn giá thuê đất thời hạn ổn định cho 14 DN, gồm: Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Công ty 1- 5, Kỹ thuật Seen, Rạng Đông, Trần Phú, cáp điện Thượng Đình, cao su Sao Vàng, sứ Thanh Trì, Xuân Kiên, xích líp Đông Anh, khóa Việt Tiệp, quốc tế Sơn Hà, Goldsun, sữa Hà Nội.
Thay thế hàng ngoại, giúp giảm nhập siêu
Các DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực đã thực sự là những DN nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô, đóng góp vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các DN đã có nhiều biện pháp tích cực, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm giữ vững sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Ngoài ra, một số DN còn tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cung cấp các chi tiết cho đối tác nước ngoài.
7 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều tác động do bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực không ngừng của DN cũng như nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực của lãnh đạo thành phố, công nghiệp Hà Nội đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận. Các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố vẫn phấn đấu đạt chỉ tiêu về sản xuất - kinh doanh bảo đảm bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty May 10, Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Công ty TNHH MTV Thống Nhất, Công ty CP kim khí Thăng Long, Công ty CP ôtô Xuân Kiên… Đây là những đơn vị đã có định hướng chiến lược tốt, sản xuất những mặt hàng chất lượng, giá cả cạnh tranh, tạo được chỗ đứng trên thị trường. Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: dây điện kỹ thuật dùng cho lắp ráp chế tạo ôtô cho hãng Yazaki (Công ty TNHH Ngọc Khánh); sản phẩm may mặc (Tổng công ty CP May 10); ống thép không gỉ (Công ty CP quốc tế Sơn Hà); dây chuyền thiết bị thực phẩm (Công ty POLICO); máy biến áp 500kV (công ty Thiết bị điện Đông Anh)…
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực của Hà Nội như: máy biến áp, động cơ công suất lớn… đã thay thế được hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu, như: Công ty CP cơ điện lạnh Eresson, Công ty Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, đã nghiên cứu sản xuất, chế tạo nồi hơi, máy biến áp, động cơ, hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm cho các nhà máy rượu - bia - nước giải khát… thay thế được hàng nhập khẩu, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Công ty CP kim khí Thăng Long tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cung cấp các chi tiết cho đối tác nước ngoài
Tiếp sức cho sản phẩm công nghiệp chủ lực
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015, Hà Nội phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn tăng trưởng bình quân 12-13%/năm; cơ cấu công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 41-42% (trong đó công nghiệp chiếm 31-32%) năm 2015 trong tổng giá trị GRDP; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước, phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị cao, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hà Nội tập trung phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, chú trọng các sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc các ngành cơ khí - điện tử, hóa chất, dệt may - da giày... |
Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội quyết tâm thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực. UBND thành phố đã ban hành chương trình số 124/CTr-UBND về hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn có chất lượng và sức cạnh tranh cao; sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn năm 2012-2015.
Ông Phạm Đức Tiến - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: để tiếp tục hỗ trợ DN, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường tổ chức cho DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm, giao thương với các tổ chức, DN trong và ngoài nước. Đặc biệt, thành phố sẽ tạo môi trường gắn kết giữa các DN với các tổ chức và cá nhân, nhà khoa học, các tổ chức khoa học, viện trưởng cơ quan nghiên cứu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ. Cùng với đó, sẽ thông báo để DN làm hồ sơ, thủ tục hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 10/04/2013 của UBND TP. Hà Nội về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN của thành phố năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Tiến, DN cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm duy trì và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả sản xuất - kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.